Skip to content

Nguy cơ bệnh tim mạch ở phụ nữ trung niên

Bác Sĩ Tim Mạch 19.04.20191283 lượt xem
Bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở nữ giới. Mỗi năm có khoảng 8,6 triệu phụ nữ toàn cầu chết vì bệnh tim mạch. Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch đã được ghi nhận. Ở nữ giới, các yếu tố này cũng tương tự như ở nam giới.

Những yếu tố nguy cơ chính không thay đổi được.

Nhóm các yếu tố nguy cơ tim mạch chính yếu và không thể thay đổi được bao gồm các yếu tố: tuổi cao trên 65 tuổi, giới tính, di truyền.

Nam giới là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn nữ giới, đặc biệt là mắc các bệnh tim mạch do xơ vữa như bệnh mạch vành, đột quỵ. Lý do là nội tiết tố sinh dục nữ estrogen có khả năng bảo vệ thành mạch máu của cơ thể. Tuy nhiên, khi tuổi tác gia tăng thì nguy cơ mắc bệnh tim mạch cũng gia tăng, đặc biệt là nữ giới mãn kinh sớm (trước 50 tuổi). Sau khi mãn kinh, yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch ở nữ giới sẽ gia tăng và ngang bằng với nam giới. Nguyên nhân là sau khi mãn kinh, hoạt động của buồng trứng giảm đi khiến lượng estrogen trong cơ thể giảm mạnh. Lượng estrogen thiếu hụt gây ra những thay đổi ở thành mạch máu, làm tăng nồng độ cholesterol "xấu" LDL trong khi làm giảm lượng cholesterol "tốt" HDL, làm tăng nồng độ fibrinogen là một chất cần thiết cho quá trình đông máu. Những thay đổi này làm gia tăng khả năng hình thành các mảng xơ vữa và cục máu đông khiến cho nguy cơ mắc bệnh tim mạch ở phụ nữ trung niên tăng lên.

Nhiều nghiên cứu cho thấy nếu bố mẹ hay anh chị em bị bệnh tim thì con cái, anh em ruột sẽ gia tăng nguy cơ mắc bệnh. Nếu trong gia đình có người có tiền sử mắc bệnh tim mạch sớm (nam trước 55 tuổi, nữ trước 60 tuổi) thì nguy cơ mắc bệnh tim mạch của người đó cao hơn những người khác. Bên cạnh đó, những yếu tố nguy cơ tim mạch khác như tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì cũng có thể mang tính di truyền.

Những yếu tố nguy cơ chính thay đổi được

Nhóm các yếu tố nguy cơ tim mạch chính yếu và có thể thay đổi được bao gồm các yếu tố: mắc bệnh tăng huyết áp, có tình trạng rối loạn chuyển hóa mỡ máu, mắc bệnh đái tháo đường, có hút thuốc, bị thừa cân hoặc béo phì, có thói quen ít vận động.

Các bệnh lý như tăng huyết áp và đái tháo đường có thể gây biến chứng lên hệ tim mạch và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch. Phụ nữ chưa mãn kinh có nguy cơ nhồi máu cơ tim thấp hơn nam giới cùng tuổi, tuy nhiên, phụ nữ mắc bệnh đái tháo đường, dù ở lứa tuổi nào cũng tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim vì bệnh đái tháo đường làm mất đi những yếu tố bảo vệ tim mạch.

Bản thân rối loạn chuyển hóa mỡ máu không phải là bệnh lý, nó không gây ra triệu chứng và chỉ được phát hiện khi làm xét nghiệm định lượng nồng độ các thành phần mỡ trong máu. Tuy nhiên, tình trạng rối loạn chuyển hóa mỡ máu là yếu tố nguy cơ hàng đầu của bệnh tim mạch do xơ vữa.

Mặc dù ở nước ta, số lượng phụ nữ hút thuốc ít hơn nam giới (theo kết quả điều tra về sử dụng thuốc lá ở Việt Nam trong năm 2010 của Bộ Y tế, chỉ có 1,4% phụ nữ đang hút thuốc lá, trong khi ở nam giới là 47,4%),tuy nhiên, cần đặc biệt lưu ý rằng phần lớn các bệnh lý tim mạch đều tăng nguy cơ mắc bệnh ở người hút thuốc.

Béo phì làm tăng nguy cơ các vấn đề sức khỏe, ảnh hưởng đến nhiều cơ quan, đặc biệt là hệ tim mạch do làm tăng gánh nặng cho tim, làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch, tăng nguy cơ bị đái tháo đường. Còn việc ít vận động sẽ khiến năng lượng trong cơ thể không được sử dụng, từ đó làm tăng khả năng mắc các yếu tố nguy cơ khác của bệnh tim mạch.

Phòng ngừa bệnh tim mạch ở phụ nữ trung niên

Bệnh tim mạch tuy nguy hiểm nhưng điều đáng mừng là nếu áp dụng những biện pháp phòng ngừa với một lối sống điều độ, lành mạnh thì có thể giảm thiểu được nguy cơ mắc bệnh. Để phòng ngừa bệnh tim mạch và giảm thiểu các yếu tố nguy cơ, trong cuộc sống, nữ giới cần áp dụng lối sống điều độ, lành mạnh. Trong sinh hoạt hàng ngày, cần lưu ý: tuyệt đối không hút thuốc; nếu có các bệnh lý tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa mỡ máu thì cần theo dõi và điều trị ổn định các tình trạng này; thường xuyên vận động và tập thể dục ở mức vừa sức; có chế độ ăn hợp lý, ăn nhạt, ít mỡ, ăn nhiều chất xơ, không uống rượu bia…; tránh để thừa cân; sống vui khỏe, điều độ, có giờ giấc nghỉ ngơi tránh để bị stress.

Bên cạnh phòng ngừa, việc phát hiện bệnh sớm nhằm có hướng xử trí kịp thời là hết sức cần thiết. Vì vậy, phụ nữ trung niên cần tiến hành tầm soát bệnh tim mạch, nhất là những trường hợp trong gia đình có người mắc bệnh tim mạch sớm hoặc có các yếu tố nguy cơ khác của bệnh.

Biên tập bởi Bác sĩ tim mạch

Đánh giá bài viết
1 bầu chọn /trung bình: 5
Quảng cáo cuối bài tin