Skip to content

Thực phẩm nhiễm độc chì có hại cho tim mạch như thế nào?

Bác Sĩ Tim Mạch 15.07.20161856 lượt xem
Xã hội ngày càng phát triển, cuộc sống ngày càng hối hả, cùng với đó là sự phát triển của các thực phẩm chế biến sẵn, đồ uống đóng chai thuận tiện cho người tiêu dùng. Tuy nhiên trên thị trường lại xuất hiện một số thực phẩm bị nhiễm độc chì có hại cho sức khỏe con người, đặc biệt là sức khỏe tim mạch.

Lượng chì bao nhiêu có thể gây ra nhiễm độc chì?

Theo thông tư 02/2011-TT-BYT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia giới hạn ô nhiễm hóa học, lượng chì ăn vào tối đa hàng tuần của mỗi người là 0.025 mg/kg cân nặng. Như vậy một người 50kg chỉ được phép ăn tối đa 0,179mg chì mỗi ngày. Hay một đứa trẻ cân nặng 20kg thì mỗi ngày chỉ được ăn tối đa 0.071 mg chì. Mặt khác ở trẻ em khả năng hấp thu chì gấp 4, 5 lần người lớn, vì vậy trẻ em là đối tượng có nguy cơ cao nhiễm độc chì khi sử dụng các thực phẩm bẩn nhiễm độc chì hơn cả.

Thực phẩm nhiễm độc chì có hại cho tim mạch

Thực phẩm nhiễm độc chì có hại cho tim mạch

Các biểu hiện cho thấy cơ thể bị ngộ độc chì

Các triệu chứng của ngộ độc chì rất đa dạng. Nó có thể ảnh hưởng đến nhiều bộ phận của cơ thể. Hiếm có trường hợp xuất hiện ngộ độc chì ngay sau khi phơi nhiễm một lần hoặc ăn chì mà chúng tích tụ từ từ trong cơ thể, mỗi lần chỉ cần đưa vào cơ thể một lượng nhỏ chì thì sau khi đủ lớn cơ thể sẽ xuất hiện các dấu hiệu nhiễm độc chì.

Dấu hiệu của cơ thể nhiễm chì lặp đi lặp lại bao gồm:

  • Đau bụng, táo bón, ăn mất ngon
  • Hành vi hung hăng, khó ngủ, đau đầu, cáu gắt, mệt mỏi, huyết áp cao, mất trí nhớ
  • Mất kỹ năng phát triển ở trẻ em
  • Tê hoặc ngứa ran ở chi
  • Thiếu máu, rối loạn chức năng thận

Trẻ em là đối tượng rất dễ bị nhiễm độc chì mà trẻ em là giai đoạn đang phát triển não bộ, vì vậy chì có thể làm suy giảm tinh thần và ảnh hưởng đến não bộ của trẻ. Tuy nhiên phần lớn trẻ bị ngộ độc chì thường có biểu hiện bệnh khá kín đáo và rất dễ bị bỏ sót, chỉ có thể phát hiện thấy khi đưa trẻ đi khám chuyên khoa nếu có dấu hiệu nghi ngờ.

Dấu hiệu của suy giảm tinh thần và ảnh hưởng não bộ có thể bao gồm:

  • Có các hành vi bất thường
  • IQ thấp
  • Vấn đề về thính giác
  • Khó khăn học tập (ngắn hạn và dài hạn)
  • Chậm tăng trưởng

Chì là kim loại nặng, cực độc, liều cao có thể dẫn đến các triệu chứng cần cấp cứu. Như đau bụng, chuột rút; nôn; yếu cơ; vấp ngã khi đi bộ; co giật; hôn mê

Nhiễm độc chì gây hại thế nào đối với tim mạch?

Tăng huyết áp là một bệnh do nhiều nguyên nhân khác nhau và các yếu tố nguy cơ, bao gồm tuổi, trọng lượng, chế độ ăn uống và thói quen tập thể dục... Tiếp xúc với chì cũng là một trong những yếu tố đóng góp vào sự khởi phát và phát triển của tăng huyết áp. Một nghiên cứu của cơ quan thống kê các chất độc và các bệnh do chúng gây ra ở Hoa Kỳ (ATSDR) cho thấy những người lớn có tiền sử nhiễm độc chì khi còn nhỏ có nguy cơ cao tăng huyết áp hơn gấp nhiều lần.

Theo Leon Derobert, khi bị ngộ độc, chì tác động đến hệ tuần hoàn rất sớm, chúng gây co mạch do kích thích trực tiếp hay gián tiếp lên trung tâm co mạch tại chỗ. Co mạch khiến tim phải hoạt động nhiều lên làm tăng gánh nặng cho tim. Mặt khác ở những bệnh nhân thiếu máu cơ tim hay hẹp mạch vành, điều này làm cản trở dòng máu đến nuôi dưỡng cơ tim khiến tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn. Ngoài ra, những nghiên cứu giải phẫu bệnh cho thấy trong các động mạch nhỏ có hiện tượng dày lên của nội mạch mạch máu và xuất hiện thoái hóa lớp cơ . Sự tổn thương này lý giải việc chì tác động trực tiếp lên lớp cơ và niêm mạc động mạch gây xơ vữa động mạch.

Nhiễm độc chì gây hại thế nào đối với tim mạch?

Nhiễm độc chì gây hại thế nào đối với tim mạch?

Ngoài ra sức khỏe cơ thể bị ảnh hưởng thế nào do nhiễm độc chì?

  • Độc với thần kinh: Gây hủy hoại, thoái hóa dây thần kinh, chết nhanh các tế bào thần kinh trung ương.
  • Độc với máu: Gây thiếu máu do ức chế tổng hợp hồng cầu và làm hồng cầu dễ vỡ.
  • Độc với thận: Tăng axit uric trong máu, gây bệnh gout do làm tổn thương thận, làm giảm thải trử acid uric qua nước tiểu.
  • Trên khả năng sinh sản:Giảm chức năng sinh sản cả nam và nữ giới. Giảm số lượng và chất lượng tinh trùng, độc với trứng.
  • Trên bào thai: Chì qua được nhau thai để tới bào thai. Nên khi mẹ bị ngộ độc chì thì thai nhi cũng sẽ bị. Gây chậm phát triển thai nhi, còn làm tăng tỷ lệ đẻ non, sảy thai, dị dạng thai, chậm phát triển trẻ sau sinh.
  • Nội tiết: Giảm chức năng tuyến giáp, tuyến yên và tuyến thượng thận. Trẻ em nhiễm độc chì có hiện tượng giảm tiết hoocmon và yếu tố tăng trưởng.
  • Hệ xương: Xương là nơi tập trung nhiều chì nhất của cơ thể. Làm giảm hình thành xương mới và giảm tăng trưởng xương ở trẻ em.

Lời khuyên từ bác sĩ

Để giảm thiểu nguy cơ nhiễm độc chì cũng như nguy cơ ngộ độc thực phẩm, mọi người nên:

  • Hạn chế ăn các thực phẩm chế biến sẵn hay nước uống, nước ngọt đóng chai.
  • Nên tự chế biến đồ ăn, thức uống tại nhà cho các bữa ăn hàng ngày.
  • Nên chọn lựa kỹ càng các thực phẩm sạch.
  • Không sử dụng các thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa được kiểm nghiệm.
  • Thường xuyên tìm hiểu các thông tin liên quan đến thực phẩm trên phương tiện thông tin đại chúng.

Biên tập bởi: Bác sĩ chuyên khoa tim mạch.

Đánh giá bài viết
1 bầu chọn /trung bình: 5
Quảng cáo cuối bài tin