Có những trường hợp được xem là rất nhẹ: đó là những ngoại tâm thu ít, thưa ở người trẻ tuổi, không có các bệnh tim khác kèm theo. Trong trường hợp này hầu hết các bác sĩ sẽ khuyên người bệnh chỉ cần bỏ thuốc lá, rượu bia, chất kích thích, sống và làm việc điều độ thì ngoại tâm thu sẽ được cải thiện nhiều.
Những trường hợp bệnh nặng hơn: ngoại tâm thu xuất hiện dày; bệnh nhân mệt khó thở, đánh trống ngực… khi đó phải dùng thuốc chống loạn nhịp. Đây là những thuốc rất khó sử dụng vì độc và gây nhiều tác dụng phụ, bệnh nhân tuyệt đối không được tự tiện sử dụng hoặc tự ý bỏ thuốc nếu đang điều trị theo toa của bác sĩ. Thường thì nếu được kê đơn dùng thuốc thì ngoài liều lượng và thời gian điều trị, bác sĩ sẽ dặn bệnh nhân kiêng gì, tránh uống kèm với thuốc nào… rất chi tiết và rõ ràng để bệnh nhân hiểu và tuân thủ đúng.
Trường hợp nghiêm trọng hơn đó là ngoại tâm thu xuất hiện trên nền của các bệnh tim khác, mà phần nhiều là các bệnh tim nặng: nhồi máu cơ tim, viêm cơ tim, bệnh van tim, bệnh tim bẩm sinh, suy tim.. hoặc trên nền những bệnh khác như thiếu máu, cường giáp (Basedow),thiếu kali máu… Khi đó, chữa các bệnh nền bằng nhiều loại thuốc kết hợp là ưu tiên hàng đầu, có khi phải phẫu thuật; chữa ngoại tâm thu chỉ là bổ trợ.
Lời khuyên của bác sĩ tim mạch: khi thấy ngoại tâm thu thì không nên hoang mang, đi hỏi những người không có chuyên môn. Tai hại nhất là nghe lung tung, dùng những thuốc “bổ tim” thuốc “trợ tim”, cùng các thuốc lạ khác. Việc cần làm là đi khám bác sĩ chuyên khoa để xem ngoại tâm thu thuộc loại nào nhẹ hay nặng, có bệnh gì khác gây ra ngoại tâm thu hay không. Tùy từng ca bệnh cụ thể, bác sĩ sẽ cho lời khuyên thích hợp về chế độ sinh hoạt, làm việc , thuốc cần uống. Người bệnh cần tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ, không được tự động bỏ thuốc hoặc uống thêm thuốc khác.
Biên tập bởi: Bác sĩ tim mạch