Skip to content

Bác sĩ tim mạch hướng dẫn phòng ngừa cơn tăng huyết áp cấp cứu

Bác Sĩ Tim Mạch 08.02.2022591 lượt xem
Tăng huyết áp cấp cứu chiếm khoảng 1% trong số các bệnh nhân tăng huyết áp, được định nghĩa là tình trạng huyết áp tăng cao (≥ 180/120 mmHg) có kèm theo các triệu chứng tổn thương cơ quan đích (tim, não, thận, mắt…) hoặc triệu chứng tổn thương cơ quan đích tiến triển. Bác sĩ tim mạch sẽ giúp quý vị hiểu và chủ động phòng ngừa để hạn chế gặp phải tình trạng cấp cứu này.

Theo tổ chức Y tế thế giới, hàng năm có khoảng 17 triệu người bị tử vong do các nguyên nhân tim mạch và 9,4 triệu trong số này là do tăng huyết áp. Tăng huyết áp cấp cứu chiếm khoảng 1% trong số các bệnh nhân tăng huyết áp, được định nghĩa là tình trạng huyết áp tăng cao (≥ 180/120 mmHg) có kèm theo các triệu chứng tổn thương cơ quan đích (tim, não, thận, mắt…) hoặc triệu chứng tổn thương cơ quan đích tiến triển. Đây là một tình trạng bệnh lý tim mạch nghiêm trọng, có thể đe dọa tính mạng người bệnh nếu không được xử trí kịp thời và đồng bộ.

Tỷ lệ tăng huyết áp có xu hướng gia tăng nhanh trong những năm gần đây, bất chấp các biện pháp điều trị, các loại thuốc mới sáng chế, các phác đồ tiếp cận bệnh nhân. Những thống kê gần đây cho thấy, có khoảng 1,14 tỷ người tăng huyết áp trên toàn thế giới, trong đó 2/3 là ở các nước có thu nhập thấp – trung bình. Sự già hóa dân số cũng là một trong nguyên nhân khiến tỷ lệ này tăng cao,nhất là ở nhóm người trên 60 tuổi. Mặc dù tỷ lệ mắc cao, nhưng chỉ khoảng 1/5 số bệnh nhân tăng huyết áp được kiểm soát tốt về mục tiêu điều trị. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện của các cơn tăng huyết áp cấp cứu, với các biến chứng cấp tính tại các cơ quan quan trọng.

Bên cạnh tuổi cao, bệnh nhân tăng huyết áp nhập viện cũng gặp nhiều hơn ở nam giới, ở cả nhóm tăng huyết áp cấp cứu và tăng huyết áp thường. Ở những người hút thuốc lá có sự tồn tại các chất co mạch trong thuốc lá như nicotin đã được chứng minh làm gia tăng tỷ lệ bùng phát huyết áp ở những bệnh nhân đã được chẩn đoán và điều trị tăng huyết áp. Một vài nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra các yếu tố có thể là nguy cơ gây ra các cơn tăng huyết áp cấp cứu : tuổi, giới, tình trạng thừa cân, hội chứng ngừng thở khi ngủ, số lượng thuốc hạ áp đang sử dụng, tình trạng kém dung nạp với điều trị.

Bệnh nhân tăng huyết áp cấp cứu nhập viện với các triệu chứng thường gặp là đau đầu, khó thở và đau thắt ngực. Khi khám lâm sàng và cận lâm sàng có thể thấy suy tim trái và suy tim toàn bộ, nhồi máu cơ tim cấp, tắc động mạch cấp, đột quỵ não, suy thận cấp, giảm thị lực đột ngột không do nguyên nhân khác.

Tăng huyết áp thường đi kèm với đái tháo đường. Hai yếu tố này tác động qua lại, làm trầm trọng thêm các biến chứng tại các cơ quan đích. Các chỉ số siêu âm tim, hóa sinh máu cơ bản (ngoại trừ creatinin) không là chỉ dấu quan trọng ở nhóm các bệnh nhân tăng huyết áp cấp cứu. Tựu chung lại cho thấy ở những bệnh nhân tăng huyết áp, việc kiểm soát không tốt huyết áp mục tiêu cũng như các yếu tố nguy cơ phối hợp là nguyên nhân căn bản dẫn đến các biến chứng cơ quan đích ở tất cả các bệnh nhân tăng huyết áp. Các biến chứng ở tim - mạch chủ yếu hay gặp ở các bệnh nhân tăng huyết áp cấp cứu là suy tim, bệnh mạch vành, tách thành động mạch chủ cấp.

Một số nghiên cứu tiến hành tại Việt Nam cho thấy việc không  tuân thủ điều trị (dùng thuốc không có kiểm soát của bác sĩ),phân số tống máu tim giảm <50% cũng làm tăng nguy cơ xuất hiện cơn tăng huyết áp cấp cứu. Việc thay đổi thuốc điều trị cũng như thay đổi liều điều trị thuốc đang dùng cũng làm tăng nguy cơ xuất hiện cơn tăng huyết áp cấp cứu. Một điểm đặc biệt là nguy cơ xuất hiện tăng huyết áp cấp cứu ở nữ giới thấp hơn đáng kể so với nam giới.

Một số đặc điểm liên quan tới cơn tăng huyết áp cấp cứu:

  • Biểu hiện thường gặp: đau đầu, khó thở, đau thắt ngực
  • Huyết áp tăng cao (≥ 180/120 mmHg)
  • Nam gặp nhiều hơn nữ.
  • Dễ xuất hiện ở người ăn mặn; hút thuốc; dùng thuốc huyết áp không có kiểm soát của bác sĩ; đổi thuốc điều trị; đổi liều thuốc đang điều trị.

Cần làm gì để dự phòng cơ tăng huyết áp cấp cứu:

  • Tập thể dục, vận động cơ thể hàng ngày,
  • Bỏ thuốc lá, ăn nhạt
  • Sinh hoạt, làm việc, nghỉ ngơi điều độ, tránh làm việc căng thẳng và stress
  • Khám tim mạch định kỳ, dùng thuốc hạ huyết áp theo đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa; không tự ý bỏ thuốc, thay thuốc, đổi liều thuốc điều trị
  • Điều trị các bệnh kèm theo như thừa cân béo phì, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa lipid…
  • Khi có biểu hiện bất thường như đau đầu, khó thở, đau thắt ngực … thì gọi ngay cho bác sĩ tim mạch để được chỉ dẫn phù hợp.

Biên tập bởi Bác sĩ tim mạch

Đánh giá bài viết
3 bầu chọn /trung bình: 5
Quảng cáo cuối bài tin