Skip to content

Mối liên quan giữa bệnh gút và các nguy cơ mắc bệnh tim mạch

Bác Sĩ Tim Mạch 30.07.20191268 lượt xem
Bệnh gút ngoài gây ra những cơn đau dai dẳng còn gây ra những tổn thương không hồi phục trên nhiều cơ quan của cơ thể: xương khớp, tim, thận, thần kinh. Một trong những biến chứng nguy hiểm của bệnh gút đó là trên tim mạch, gây ra các bệnh lý xơ vữa mạch, nhồi máu cơ tim, suy tim,…và làm gia tăng các yếu tố nguy cơ dẫn đến tim mạch: tăng huyết áp, đái tháo đường,…

Bệnh gút (hay còn gọi là bệnh thống phong) được đặc trưng bởi sự gia tăng acid uric trong máu, thường gặp ở nam giới tuổi trung niên 30-50 tuổi, tuy nhiên có thể gặp ở người trẻ tuổi hoặc nữ giới.

Khi acid uric máu tăng cao (trên 7mg/dl) và tổng lượng acid uric cơ thể tăng thì sẽ lắng đọng lại ở một số tổ chức và cơ quan dưới dạng tinh thể urat gây ra các biểu hiện rối loạn tại các cơ quan này, đặc biệt chúng có thể lắng đọng ở màng ngoài tim, cơ tim, van tim, lâu dần gây ra những bệnh lý tim mạch nặng nề.

Gout bệnh tim mạch

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Duke đã nghiên cứu dữ liệu từ hơn 17,000 bệnh nhân, bao gồm 1406 người bệnh bị gút và đang điều trị các bệnh lý liên quan đến tim mạch. Sau khi theo dõi trung bình 6.4 năm, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những bệnh nhân bị gút có nguy cơ tử vong vì bệnh tim mạch hoặc bị đau tim, đột quỵ cao hơn 15% so với những bệnh nhân chưa bị gút, và tăng nguy cơ tử vong do suy tim lên gấp đôi. Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng một trong những lý do bệnh gút có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch là do quá trình viêm cấp tính do nó gây ra.

Cũng theo một nghiên cứu được tiến hành trên 15,143 cá nhân được điều trị tại trung tâm Quản lý Y tế - Bệnh viện đa khoa thuộc Đại học Y Thiên Tân đã chỉ ra rằng những người có nồng độ acid uric cao sẽ dễ mắc tăng huyết áp hơn những người có nồng độ acid uric huyết thanh thấp hơn. Và nghiên cứu Maastricht thực hiện trên 2.555 cá nhân cũng cho kết quả tương tự

Ngoài ra, những nghiên cứu khác còn cho thấy tăng triglycerid gặp trong 75%- 80% bệnh nhân gút. Dung nạp đường máu gặp trong 7 – 74% bệnh nhân gút, tăng acid uric cũng liên quan đến tình trạng kháng insulin, tăng huyết áp gặp trong một phần tư đến một nửa số bệnh nhân gút. Tất cả đều liên quan đến những bệnh lý mạn tính: rối loạn chuyển hóa mỡ máu, đái tháo đường, tăng huyết áp,…chính là những yếu tố nguy cơ lớn dẫn đến các bệnh lý tim mạch hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh đối với những bệnh nhân đang mắc.

Gout bệnh tim mạch

Ngày nay, với cuộc sống phát triển, tỷ lệ người mắc bệnh gút ngày càng  gia tăng do tỷ lệ thừa cân béo phì ngày càng cao, phơi nhiễm với môi trường ô nhiễm, tăng tiêu thụ đồ uống có đường, thực phẩm giàu purine và rượu. Đó chính là lý do vì sao bệnh gút được coi là một bệnh liên quan đến lối sống cùng với tăng huyết áp, tiểu đường và rối loạn lipid máu.

Chình vì vậy việc kiểm soát bệnh gút để phòng tránh các nguy cơ biến chứng trên những cơ quan khác của cơ thể là vô cùng quan trọng. Bằng cách thực hiên một lối sống lành mạnh, chế độ dinh dưỡng hợp lý, hạn chế các thức ăn chứa nhiều purin như phủ tạng động vật, uống nhiều nước, kiêng rượu và các chất kích thích, tránh làm việc quá sức, sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, theo dõi chặt chẽ các bệnh mạn tính kèm theo, bạn sẽ kiểm soát tốt được bệnh gút cũng như những biến chứng có thể xảy ra.

Lắng nghe tiếng nói từ cơ thể mình, nhận thức đúng đắn về mối liên quan giữa bệnh gút và các bệnh tim mạch sẽ giúp phát hiện sớm và điều trị bệnh một cách kịp thời.

Biên tập bởi Bác sĩ tim mạch

Đánh giá bài viết
1 bầu chọn /trung bình: 5
Quảng cáo cuối bài tin