Skip to content

Mối liên hệ giữa căng thẳng tinh thần và bệnh tăng huyết áp

Bác Sĩ Tim Mạch 02.12.2018757 lượt xem
Căng thẳng tinh thần (còn gọi là stress) ngày càng phổ biến trong đời sống xã hội hiện nay và là một tác nhân ảnh hưởng tới bệnh tăng huyết áp cũng như các bệnh tim mạch khác. Vậy, mối liện hệ giữa căng thẳng tinh thần và bệnh tăng huyết áp ra sao?

tang-huyet-ap

Căng thẳng tinh thần là gì?

Căng thẳng tinh thần (còn gọi là stress) là phản ứng của cơ thể trước bất kỳ một yêu cầu, áp lực hay một yếu tố nào tác động de dọa đến sự tồn tại lành mạnh của con người cả về thể chất lẫn tinh thần.

Cuộc sống ngày càng hiện đại, con người chạy đua với thời gian, áp lực tới từ nhiều phía khiến tình trạng căng thẳng tinh thần ngày càng phổ biến. Những mâu thuẫn, bất ổn trong các mối quan hệ, áp lực công việc hay những xung đột trong gia đình đều dễ khiến chúng ta phải suy nghĩ, trăn trở; chúng tích tụ lâu dần gây ra stress. Stress được coi là một tác nhân có thể làm tăng huyết áp và gây nên các bệnh tim mạch khác.

Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra stress, nhưng phản ứng của cơ thể với tác nhân gây căng thẳng đều trải qua ba giai đoạn: giai đoạn báo động, giai đoạn thích nghi và giai đoạn kiệt quệ. Dù ở giai đoạn nào thì hệ lụy mà nó để lại với sức khỏe cơ thể là không hề nhỏ nếu chúng ta không biết cách phòng tránh và giải tỏa.

Mối liên hệ giữa căng thẳng tinh thần và tăng huyết áp

Chưa có bằng chứng nào chứng tỏ rằng căng thẳng tin thần đơn độc có thể trực tiếp gây ra bệnh tăng huyết áp; nhưng nó lại tác động xấu tới hệ tim mạch, khiến mức huyết áp tăng cao dần. Khi bị căng thẳng tinh thần, cơ thể chúng ta sẽ sản sinh ra một lượng lớn các hormone (adrenaline và cortisol) thẳng vào máu. Đây chính là thủ phạm gây tăng huyết áp bởi những hormone này khiến tim đập nhanh, co thắt thành động mạch làm gia tăng lưu lượng tuần hoàn để bơm máu về các cơ quan cần thiết. Kết quả là mức huyết áp của người bệnh cũng tăng lên tương ứng.

Biểu hiện huyết áp tăng khi bị stress chỉ là triệu chứng tạm thời. Khi trạng thái căng thẳng được giải tỏa thì huyết áp của bạn cũng sẽ trở về ngưỡng an toàn. Tuy nhiên, nếu bạn bị stress liên tục, kéo dài với cường độ ngày càng tăng thì cơ thể bạn sẽ không kịp cân bằng mà tác động xấu tới huyết áp.

Ngoài tác động làm tăng huyết áp, căng thẳng tinh thần còn có thể tác động tới các bệnh lý tim mạch khác như xơ vữa động mạch, thậm chí là đột tử. Sự căng thẳng quá mức có thể thúc đẩy quá trình hình thành mảng xơ vữa động mạch. Cũng có những giả thuyết cho rằng khi bị stress có thể gây rung tâm thất và bị đột tử do sự kích hoạt hệ thống bảo vệ dẫn đến hiện tượng giảm đột ngột trương lực thần kinh phó giao cảm. Khi trương lực thần kinh giao cảm ở tim tăng sẽ làm tăng nhịp tim, tăng sức co bóp của cơ tim, tăng huyết áp tâm thu, gây thiếu máu cơ tim ở các bệnh nhân có xơ vữa động mạch vành dẫn đến nguy cơ bị rung tâm thất và đột tử.  

Tất cả chúng ta, những người bệnh tim mạch nói chung và bệnh nhân tăng huyết áp nói riêng, không nên bỏ qua những dấu hiệu căng thẳng tinh thần để sớm loại bỏ.

Làm gì để giải tỏa được những căng thẳng tinh thần

Việc giải tỏa được những căng thẳng tinh thần không những giúp bạn có một cuộc sống thoải mái, làm việc hiệu quả mà còn gián tiếp giúp bạn phòng bệnh, chữa bệnh, đẩy lùi bệnh tật một cách tốt nhất. Chúng ta có vô số cách khác nhau để tự mình kiểm soát những căng thẳng tinh thần, stress. Không có một phác đồ hay mô tuýp nhất định nào để bạn giải tỏa, kiểm soát stress. Bạn có thể áp dụng bất kì biện pháp, phương thức nào phù hợp, ví dụ:

Tập luyện thể dục thể thao

Tập luyện là cách giải tỏa căng thẳng stress khá hữu ích. Việc tập luyện thể dục thể thao đều đặn không chỉ giúp bạn kiểm soát được stress mà còn kiểm soát được huyết áp, đường huyết và các bệnh lý khác. Bạn nên lựa chọn cách thức tập luyện phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của mình; nếu mắc tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim, suy tim, hoặc bệnh lý khác, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi bắt đầu luyện tập.

Sắp xếp lại công việc

Nếu bạn luôn cảm thấy những công việc của mình chật kín thời gian, hãy dành ra vài phút để sắp xếp lại, những việc cần làm và những việc không nhất thiết có thể giảm bớt để có thời gian nghỉ ngơi thư giãn. Đừng tham công tiếc việc mà lại rước họa vào thân.

Tập thở

Thoáng nghe qua thì chúng ta thấy lạ bởi chúng ta ai cũng phải thở để tồn tại. Nhưng nếu bạn chú ý vào từng nhịp thở, thở thật chậm và sâu sẽ giúp bạn thư giãn và giải tỏa căng thẳng một cách đáng kể. Đó cũng là một phần không thể thiếu trong thiền, yoga.  Thiền và yoga đã được chứng minh là có thể làm giảm huyết áp tâm thu xuống tới 5mmHg.

Thay đổi lối sống

Việc sinh hoạt bất hợp lý, ăn ngủ không điều độ sẽ ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của bạn; nhất là thiếu ngủ. Ngủ không đủ giấc sẽ làm trầm trọng hơn mọi thứ. Một lối sống sinh hoạt lành mạnh, khoa học sẽ giúp cơ thể bạn khỏe mạnh, kiểm soát được nhiều yếu tố nguy cơ gây bệnh.

Trong cuộc sống đời thường, chúng ta không thể tránh khỏi những áp lực, căng thẳng; dù là tác động nhiều hay ít thì chúng đều có thể gây nên tình trạng xấu cho sức khỏe, đặc biệt là tăng huyết áp, bệnh tim mạch, thậm chí là đột tử. Do vậy, chúng ta cần học các sống chậm, sống đúng để giải tỏa những căng thẳng tinh thần của mình. Hãy nhớ rằng, mục tiêu của ta là tìm được những gì thực sự phù hợp với mình; muốn làm được thì sức khỏe là điều quý giá nhất để ta bước trên chặng đường tìm kiếm đó.

Đánh giá bài viết
1 bầu chọn /trung bình: 5
Quảng cáo cuối bài tin