Skip to content

Một số vấn đề về tiêu thụ chất béo – lipid trong khẩu phần ăn hàng ngày

Bác Sĩ Tim Mạch 08.01.20191099 lượt xem
Đã từ lâu chất béo (còn gọi là lipid) được nhận biết là thành phần thiết yếu của bữa ăn. Lipid là nguồn cung cấp năng lượng với đậm độ cao gấp hơn 2 lần so với Protein và Glucid, đồng thời là vật mang của các chất dinh dưỡng cần thiết tan trong dung môi chất béo (như các Vitamin A, D, E và K). Chất béo còn là tiền chất của các hợp chất quan trọng trong cơ thể. Cấu tạo các thành phần của tế bào, mô; là tiền chất của nhiều hormone, của acid mật…

Tiêu thụ lipid quá thấp trong bữa ăn hàng ngày ảnh hưởng đến chức phận nhiều cơ quan, tổ chức trong cơ thể, đặc biệt là não bộ và thần kinh ở trẻ em và trẻ nhỏ, cũng như người cao tuổi. Hậu quả là chậm tăng trưởng và thiếu dinh dưỡng do thiếu protein năng lượng.

Ngược lại tiêu thụ quá nhiều lipid có thể dẫn đến thừa cân – béo phì, có liên quan đến các bệnh mãn tính không lây như tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, xơ vữa động mạch…

Thực phẩm nguồn gốc động vật, thực vật và cá chứa nhiều loại lipid khác nhau với chất lượng khác nhau. Cần thiết phải có sự cân bằng các loại thực phẩm trên trong khẩu phần để đảm bảo nhu cầu lipid đối với cơ thể cả về số lượng và chất lượng. Mức tiêu thụ lipid sao cho năng lượng do lipid cung cấp trong khẩu phần ăn của người trưởng thành dao động trong khoảng 20 – 30%, không nên vượt quá 30% năng lượng tổng số. Người cao tuổi nên tiêu thụ chất béo cung cấp 20 – 25% năng lượng khẩu phần. Tỷ lệ lipid động vật/lipid tổng số đối với người trưởng thành hiện nay không nên vượt quá 60%. Các acid béo no (có nhiều trong mỡ, bơ, thịt mỡ) không được vượt quá 10% năng lượng khẩu phần. Để làm được điều này, có thể tăng cường sử dụng các loại dầu thực vật và hạn chế tiêu thụ các loại mỡ động vật.

Ăn nhiều mỡ có chứa nhiều chất béo bão hòa (còn có nhiều trong bơ, thịt mỡ, nước dùng thịt),sẽ có tác hại xấu với chuyển hóa chất béo trong máu và trong gan, gây tình trạng xơ vữa động mạch, là nguyên nhân của nhiều biến cố tim  mạch; gây tăng cholesterol-LDL huyết thanh, cung cấp một môi trường dẫn đến xơ vữa động mạch do tăng LDL-cholesterol. Thử nghiệm lâm sàng cho thấy khi chất béo bão hòa tăng 1% dẫn đến LDL-cholesterol tăng 2%.

Các acid béo không no (như acid linoleic, linolenic, decoshexaenoic và các acid béo không no khác) phải đảm bảo cung cấp 11 – 15% năng lượng. Để đạt được điều này, cần tăng cường tiêu thụ các loại dầu thực vật và cá béo. Nhu cầu khuyến nghị acid béo không no ở người 50-69 tuổi: 28,5g/ngày ở nam giới, và 24,2g/ngày ở nữ giới. Ở người trên 70t là 26,8g/ngày ở nam giới và 22,2g/ngày ở nữ giới.

 

Dinh dưỡng cho bệnh nhân tăng mỡ máu

Lượng mỡ trong máu tăng cao, liên quan mật thiết đến chế độ ăn hằng ngày. Do đó, ngoài việc sử dụng thuốc để giảm mỡ trong máu, các bác sĩ thường khuyên bệnh nhân thực hiện chế độ dinh dưỡng khoa học để cải thiện tình trạng bệnh. Dinh dưỡng cho bệnh nhân tăng mỡ máu được xây dựng dựa trên nguyên tắc tăng cường các thức ăn bổ xung, vitamin C, chất xơ hòa tan và hạn chế tối đa thức ăn chứa nhiều mỡ

  • Ăn thực phẩm chứa ít cholesterol
  • Bổ sung các thực phẩm có tác dụng giảm mỡ máu: Đậu xanh là loại thực phẩm có khả năng giảm cholesterol khá tốt và được các bác sĩ đặc biệt khuyên dùng. Ngoài ra lượng vitamin C có trong giá đỗ khi sử dụng đậu xanh lên mầm cao ấp 6 – 7 lần bình thường. Hàm lượng vitamin C có khả năng giúp cơ thể bài tiết cholesterol một cách hiệu quả và đồng thời thanh trừ các chất thừa trong cơ thể. Ăn nhiều rau cần, bí đao, các loại nấm cũng bổ sung các chất dinh dưỡng có lợi và cung cấp một lượng lớn chất xơ, rất tốt trong điều trị tăng mỡ máu. Vitamin C đặc biệt có nhiều trong các loại trái cây thuộc họ bưởi, cam.
  • Tăng cường thực phấm chứa chất xơ hòa tan: Chất xơ hòa tan có chức năng bài tiết cholesterol ra ngoài, làm giảm lượng cholesterol, triglyceride có trong máu. Chất xơ hòa tan có nhiều trong các lợi thực phẩm như ngũ cốc, lúa mạch, yến mạch, táo, chuối, dâu tây, ổi, mận, đậu đen, đậu trắng, đậu hà lan, rau cải, bông cải, tỏi, cà rốt, mồng tơi, rau dền, rau đay.
  • Ăn các loại thịt nạc, gia cầm: Bệnh nhân tăng mỡ máu nên chọn ăn thịt gia cầm, thịt nạc, thịt trắng để hạn chế tối đa lượng mỡ bổ xung vào có thể. Trước khi chế biến nên loại bỏ mỡ có trong thịt sẽ tốt hơn cho sức khỏe người bệnh. Đặc biệt hạn chế ăn thịt đỏ vì lượng cholesterol có trong thực phẩm này cao hơn nhiều lần cholesterol có trong thịt trắng. Chất béo no thường có trong nội tạng và mỡ động vật, việc ăn chất béo này thường xuyên có nguy cơ làm tắc động mạch. Đối với người bệnh mỡ máu cao, nên tránh xa các thức ăn chữa mỡ động vật và sử dụng dầu ăn có nguồn gốc từ thực vật như dầu đậu phộng, dầu ô liu…

Một vài lưu ý trong chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân tăng mỡ máu

  • Bệnh nhân không nên ăn tối quá muộn, vì lúc này hệ tiêu hóa hoạt động kém hiệu quả sẽ làm lượng cholesterol tồn đọng lại trong cơ thể
  • Người bệnh nên hạn chế tối đa việc sử dụng rượu bia và các món ăn chiên, có thể thay thế bằng các món hấp, luộc…
  • Kiểm  tra thành phần có trên nhãn hàng để kiểm soát được lượng chất béo trong thực phẩm trước khi ăn. Khi ăn các loại phô mai hoặc sữa chỉ nên chọn sản phẩm có hàm lượng chất béo từ 1 – 2%.
  • Thường xuyên kiểm soát cân nặng kết hợp cùng điều trị của bác sĩ cải thiện sức khỏe

Biên tập bởi: Bác sĩ tim mạch

Đánh giá bài viết
1 bầu chọn /trung bình: 5
Quảng cáo cuối bài tin