Skip to content

Lưu ý khi dùng Nhân sâm với bệnh Tim mạch

Bác Sĩ Tim Mạch 12.08.20208193 lượt xem
Đông y coi Nhân sâm là vị thuốc đứng đầu các vị thuốc bổ dưỡng, theo thứ tự Sâm - Nhung - Quế - Phụ. Theo danh y Hải Thượng Lãn Ông, Nhân sâm có tính hơi hàn, không độc, đưa lên nhiều hơn giáng xuống

Nhân sâm là một loại thuốc quý, được coi là thượng dược, đã được nhân loại biết đến và sử dụng từ lâu đời. Do có hình dáng giống như hình người nên được đặt tên là nhân sâm, tên khoa học là Pannax ginseng. Có nhiều loại nhân sâm: sâm Triều Tiên, sâm Bắc Mỹ, sâm Trung Quốc… ở Việt Nam cũng đã phát hiện ra loại sâm quý gọi là sâm Ngọc Linh.

Đông y coi Nhân sâm là vị thuốc đứng đầu các vị thuốc bổ dưỡng, theo thứ tự Sâm - Nhung - Quế - Phụ. Theo danh y Hải Thượng Lãn Ông, Nhân sâm có tính hơi hàn, không độc, đưa lên nhiều hơn giáng xuống. Có tác dụng: “ Bổ ích chân nguyên không đầy đủ, khí đoản thở gấp, hư hỏa nghịch lên do hao , sinh tân chỉ khát, khai tâm khiếu, tăng trí khôn, nhuận bổ nguyên dương, khỏi sợ hãi, kinh động, mê lung tung, lạnh trong tỳ vị, đau trong lòng bụng, ngực sườn đầy tức, phá tích cứng, khai thông ngưng trệ, tráng dương, nuôi tinh thần, yên hồn phách… Uống nhiều thì tuyên thông, uống ít thì ủng trệ”.

Các nhà nghiên cứu Liên Xô cũ kết luận dung dịch rượu Nhân sâm có tác dụng hạ huyết áp. Tác dụng trên tim mạch của nhân sâm phụ thuộc vào nồng độ: nồng độ Nhân sâm càng cao càng ức chế hoạt động của  tim; nồng độ thấp lại làm tim co bóp mạnh lên, tần số tim cũng tăng lên.

Theo Đông y, bệnh tăng huyết áp được coi là chứng “ Huyễn vựng”, có nguyên nhân do thận hư, can khí nghịch lên, can uất hóa hỏa. Vì Nhân sâm có tính thăng lên, do vậy không nên dùng Nhân sâm cho người tăng huyết áp vì dễ gây đột quỵ.  Do có tác dụng bồi bổ chân nguyên, bổ khí nên Nhân sâm có tác dụng nâng huyết áp trong những trường hợp huyết áp thấp, huyết áp tụt . Cũng theo Đông y: tâm khí hư, khí huyết ứ trệ gây nên chứng “ Tâm giảo thống” hay còn gọi là đau thắt ngực do nguyên nhân thiếu máu nuôi dưỡng có tim. Trong trường hợp này , tác dụng khai khí trệ, hành huyết ứ của Nhân sâm làm giảm đau thắt ngực.. Nhân sâm thường được sử dụng kết hợp với gừng để nhằm tăng tác dụng.

Một số lưu ý khi dùng Nhân sâm:

Không dùng Nhân sâm trong các trường hợp:

  • Tăng huyết áp do can dương vượng: huyết áp cao kèm theo các chứng nhức đầu, hay cáu giận, hoa mắt, chóng mặt…
  • Âm hư hỏa động: thường gặp ở phụ nữ độ tuổi mãn kinh với các biểu hiện như cơn bốc hỏa, khó ngủ, vã mồ hôi ban đêm, háo khát…
  • Đang mắc các bệnh nhiễm trùng cấp tính
  • Xuất huyết: băng huyết, chảy máu cam, ho ra máu, đại tiện ra máu…
  • Ỉa chảy cấp
  • Suy thận, viêm túi mật, sỏi thận, hen suyễn
  • Thai phụ sắp đẻ hoặc khó đẻ
  • Trẻ em, trẻ nhỏ

Thận trọng khi dùng Nhân sâm trong các trường hợp:

Cảm mạo, sốt, mất ngủ, khó ngủ, tim đập nhanh, chán ăn, đi tiểu ít hoặc khó…

Lưu ý:  Không dùng Nhân sâm với các thuốc Aspirin, các thuốc giả đau non – steroid như Paracetamol, Analgin và các thuốc chống đông máu. Không nên dùng Nhân sâm trước phẫu thuật

Biên tập bởi: Phòng khám CK YHCT Việt Nguyễn

Đánh giá bài viết
6 bầu chọn /trung bình: 4
Quảng cáo cuối bài tin