Skip to content

Một thầy một thuốc

Bác Sĩ Tim Mạch 20.10.2022193 lượt xem

  PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu Đại biểu Quốc hội khóa XV, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội 

SKĐS - Hầu như buổi khám bệnh nào tôi cũng trả lại vài phiếu khám. Nói đúng hơn là mời bệnh nhân về không lấy phí vì tại bệnh viện chúng tôi khám trước rồi mới đóng tiền sau (gồm cả tiền khám và xét nghiệm nếu có).

Nguyên nhân vì bệnh nhân đến để hỏi đơn thuốc đang uống ổn định của bác sĩ khác, xem có thuốc gì tốt hơn nữa không?! Nhưng khó nhất là các bệnh nhân ở tỉnh xa điều trị theo đơn ngoại trú bảo hiểm y tế những bệnh mạn tính (tăng huyết áp, đái tháo đường, COPD…) đến khám vì huyết áp không ổn định hay đường máu phập phù.

Họ không có nhiều tiền để dùng thuốc tự túc và khoảng cách địa lý cũng cản trở sự tái khám nên không thể kê đơn.

Cách làm của tôi là kiên nhẫn giải thích cho các bác hiểu mình cần một đơn thuốc ổn định lâu dài. Các bác cần chọn một bác sĩ tại địa phương mình sinh sống để theo dõi.

Đại bộ phận đều đổ lỗi cho bảo hiểm y tế do mỗi lần đến khám sẽ gặp bác sĩ khác nhau. Nhưng khi tôi hỏi bệnh nhân, bác đã coi bác sĩ nào như người thân của mình chưa thì hầu như đều lắc đầu thậm chí không nhớ nổi tên bác sĩ.

Lời khuyên của tôi là bệnh nhân hãy cố gắng xin số điện thoại để biết khi nào bác sĩ có lịch sẽ đến khám, nếu uống thuốc có phản ứng phụ hoặc chưa đáp ứng tốt sẽ quyết tìm lại bác sĩ của mình để chỉnh thuốc hay ngược lại thuốc đang hợp thì tìm mọi cách không thay thuốc vì những bệnh mạn tính không thể chữa khỏi hoàn toàn mà cần nhất là sự ổn định. Rất nhiều lần tôi đã viết thư đề nghị người bác sĩ chưa quen tiếp tục theo dõi giúp bệnh nhân vì thấy đơn thuốc đang dùng là phù hợp, cho dù là loại thuốc không đắt tiền, thông dụng, có trong bảo hiểm.

Hầu hết chúng ta coi khám bảo hiểm là “cực chẳng đã” nên cũng coi luôn các bác sĩ là những "cái máy"kê đơn. Một phần vì lý do này nên các bác sĩ cũng ít đầu tư trí tuệ vào các đơn thuốc bệnh mạn tính, bệnh viện có loại gì cho loại ấy, cũng không xem đơn thuốc cũ đang dùng thường xuyên và những thuốc đã từng có tác dụng phụ trong quá khứ của người bệnh.

Tôi luôn có nguyên tắc không kê đơn thuốc nếu chưa biết được bệnh nhân đã và đặc biệt đang uống thuốc gì. Lý do là, chắc gì thuốc tôi cho đã tốt hơn, liều lượng đã đúng và quan trọng làm sao theo dõi nếu bệnh nhân ở xa không tái khám. Tôi cũng tuyệt đối không bao giờ bổ sung thuốc nếu chưa biết bệnh nhân đang dùng thuốc gì vì ai bảo đảm được sự tương tác là tốt hay xấu. Nếu có biến chứng xảy ra ai chịu trách nhiệm và người thiệt thỏi chắc chắn là bệnh nhân.

Giảng bài cho các bác sĩ trẻ tôi luôn nói chúng ta ở tuyến trung ương có lợi vì tránh được những sai lầm đã mắc phải của các bác sĩ tuyến dưới. Đừng nghĩ mình giỏi hơn vì nếu các em làm việc trong hoàn cảnh của họ chắc chắn cũng sẽ có những lựa chọn chưa đúng. Hãy chọn và tin tưởng vào bác sĩ đã theo dõi mình lâu dài. Họ sẽ là người hiểu bạn hơn nhiều các giáo sư mới chỉ khám có vài phút đã ra được cái đơn thuốc huyết áp, tiểu đường. Không có đơn thuốc nào là đúng tuyệt đối cho mọi bệnh mạn tính, cá thể hoá người bệnh là phương hướng mà y học hiện đại ngày càng chứng minh tính đúng đắn.

Có bệnh phải vái tứ phương là câu cửa miệng nhưng các bác cũng luôn nhớ thêm câu “lắm thầy nhiều ma” để tránh trở thành “một hiệu thuốc huyết áp tại nhà” khi lần lượt thăm khám các đại giáo sư để rồi lại tìm được viên thuốc hợp với mình từ một bác sĩ trẻ mới tốt nghiệp ra trường. 
Tôi muốn chia sẻ đến các bệnh nhân rằng, nếu không may mắc các bệnh mạn tính, hãy chọn cho mình và người thân mình một bác sĩ gia đình thực thụ nhé!.

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu
Giám đốc BVĐH Y Hà Nội

Bản quyền thông tin thuộc về Báo Sức khỏe và Đời sống

https://suckhoedoisong.vn/mot-thay-mot-thuoc-169221015123020775.htm

Đánh giá bài viết
2 bầu chọn /trung bình: 5
Quảng cáo cuối bài tin