Skip to content

Huyết áp là gì và sự thay đổi sinh lý của huyết áp ra sao?

Bác Sĩ Tim Mạch 14.11.20166305 lượt xem
( Bác sĩ tim mạch ) - Huyết áp là gì? Huyết áp là áp lực của máu lên thành động mạch khi máu được tim bơm vào. Áp lực này tùy thuộc sức cản của động mạch và cung lượng tim (là lượng máu được tim tống ra trong vòng 1 phút). Huyết áp cao khi hai yếu tố này cao và ngược lại.

Huyết áp là gì và sự thay đổi sinh lý của huyết áp ra sao?

Huyết áp là gì và sự thay đổi sinh lý của huyết áp ra sao? (Nguồn: internet)

Huyết áp được ghi nhận bằng đơn vị là milimét thủy ngân (mmHg ) và đo bằng huyết áp kế đặt ở động mạch cánh tay là nơi có áp suất gần giống như áp suất khi máu rời trái tim ( Nhiều trường hợp đặc biệt sẽ đo cả huyết áp ở động mạch kheo ở chân). Áp suất cao nhất khi tâm thất co (huyết áp tâm thu) đẩy máu ra khỏi tim. Huyết áp thấp nhất khi tâm thất giãn (huyết áp tâm trương) để tiếp nhận máu, hút máu trở về tim.

Huyết áp bình thường thay đổi tùy theo độ tuổi. Ở một người trưởng thành, khỏe mạnh và đang trong tình trạng nghỉ ngơi, thì chỉ số huyết áp bình thường là huyết áp tối đa (huyết áp tâm thu)  lớn hơn hoặc bằng 90 mmHg, nhỏ hơn 140 mmHg; huyết áp tối thiểu ( huyết áp tâm trương) lớn hơn hoặc bằng 60 mmHg và nhỏ hơn 90mmHg.

Những yếu tố nào đóng vai trò điều hòa huyết áp?

Áp lực máu lên thành động mạch phụ thuộc vào những yếu tố:

Lực co bóp của tim: khi tim co bóp sẽ chuyền cho máu một áp lực, nếu tim co bóp mạnh và lưu lượng máu tăng làm cho huyết áp tăng.

Vai trò của mạch máu và sự điều hoà của các thần kinh vận mạch: máu chảy trong lòng mạch luôn luôn ma sát vào thành trong động mạch, huyết áp động mạch, nhất là huyết áp tối thiểu hay huyết áp tâm trương chịu ảnh hưởng của sức cản thành mạch này khá nhiều, có thể nói rằng huyết áp tối thiểu này là huyết áp của hệ mạch máu. Vì vậy nếu động mạch giữ được sự mềm mại dễ chun giãn thì máu dễ qua và huyết áp tối thiểu thấp, còn trường hợp động mạch trở nên cứng rắn, ít chun giãn (ví dụ ở người già, hay bệnh nhân xơ vữa động mạch) thì sức cản lớn và huyết áp tối thiểu tăng.

Vai trò của mạch máu và sự điều hoà của các thần kinh vận mạch

Vai trò của mạch máu và sự điều hoà của các thần kinh vận mạch (Nguồn: internet)

Diện tích mặt cắt của các động mạch cũng ảnh hưởng đến chỉ số huyết áp, diện tích mặt cắt này cũng sẽ thay đổi do hiện tượng co mạch và giãn mạch máu. Khi mạch co lại thì gây huyết áp tăng.

Khối lượng máu trong lòng mạch: Tuy mạch máu có tính đàn hồi nhưng dung tích chứa cũng chỉ có hạn nên nếu lượng máu nhiều cũng làm cho huyết áp tăng lên, nếu lượng máu giảm thì huyết áp cũng sẽ giảm.

Trong 3 yếu tố kể trên thì yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến chỉ số huyết áp là vai trò của các hoạt động thần kinh điều hoà vận mạch.

Sự thay đổi sinh lý của huyết áp ra sao?

Giới và tuổi: Phụ nữ thường có huyết áp thấp hơn ở nam giới khoảng 5 mmHg, ở trẻ em thì huyết áp thấp nhiều so với huyết áp người trưởng thành. Người già huyết áp thường cao hơn người lớn từ 10mmHg – 20mmHg.

Sinh hoạt: Khi lao động, vận động huyết áp tăng lên, khi gắng sức cũng vậy, cơ thể phải nín thở, ngậm mồm ép làm không khí gây tăng áp lực trong lồng ngực nên huyết áp lên cao, sau khi gắng sức huyết áp dần trở về bình thường.

Tư thế: Ở tư thế đứng huyết áp thường cao hơn tư thế nằm khoảng 10 đến 20mmHg.

Ảnh hưởng của kinh nguyệt và thai ngén. Trước khi có kinh nguyệt huyết áp hơi tăng, hay khi có thai, tử cung to lên, ngăn cản tuần hoàn, cũng dẫn đến huyết áp tăng, sau khi đẻ huyết áp giảm rồi lại trở lại bình thường.

Sự thay đổi sinh lý của huyết áp

Sự thay đổi sinh lý của huyết áp (Nguồn ảnh: internet)

Ảnh hưởng của tiêu hoá: ngay sau khi ăn no huyết áp tăng. Khi thức ăn tiêu hoá thì huyết áp sẽ giảm.

Ảnh hưởng của thần kinh: cảm xúc nhiều, lao động trí óc căng thẳng, stress, sự lo lắng, đều làm huyết áp tăng lên, đó là nguyên nhân trong bệnh cao huyết áp.

Huyết áp thay đổi tuỳ theo nơi đo: Ví dụ huyết áp động mạch cánh tay, hai bên có thể chênh lệch nhau đến 5mmHg. Huyết áp ở động mạch khoeo chân cao hơn từ 20- 40mmHg so với huyết áp động mạch cánh tay.

Huyết áp cao là bệnh nguy hiểm, nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời rất dễ dẫn đến các biến chứng tim mạch nguy hiểm. Do đó, nếu bị bệnh huyết áp cần đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và hỗ trợ điều trị kịp thời.

Đánh giá bài viết
1 bầu chọn /trung bình: 5
Quảng cáo cuối bài tin