Skip to content

Các thuốc điều trị rối loạn nhịp tim thường dùng cần nắm vững

Bác Sĩ Tim Mạch 06.03.20179361 lượt xem
Rối loạn nhịp tim là một nhóm các bệnh về sự bất ổn nhịp đập của trái tim, đây là mối quan tâm hàng đầu của các nhà nghiên cứu cũng như y bác sĩ vì nếu không được điều trị kịp thời chúng có thể lấy đi tính mạng người bệnh bất cứ lúc nào. Bài viết dưới đây Bacsitimmach.com.vn sẽ chia sẻ với quý độc giả các thuốc điều trị rối loạn nhịp tim thường dùng.

Phân loại các thuốc điều trị rối loạn nhịp tim

Thuốc điều trị loạn nhịp tim theo phân loại của Vaughan- William được chia làm 4 nhóm:

  • Nhóm I: Là nhóm thuốc có tác dụng ổn định màng tế bào nghĩa là gây ức chế dòng Natri nhanh qua màng tế bào trong giai đoạn khử cực. Trong nhóm này được chia làm 3 phân nhóm:
  • Nhóm Ia: Đứng đầu là thuốc quinidine, có tác dụng gây tê màng, giúp kéo dài thời kỳ trơ hiệu quả và điện thế động. Thuốc này có tác dụng ức chế co bóp tim.
  • Nhóm Ib: Có tác dụng gây tê màng nhẹ hơn nhóm Ia. Ngược lại, có tác dụng rút ngắn thời kỳ trơ hiệu quả và điện thế động. Làm ít ức chế sự co bóp tim. Đại diện là thuốc Xylocaine.
  • Nhóm Ic: Có cả 2 tác dụng trên nhưng chúng không thay đổi thời kỳ trơ và điện thế động. Đại diện là thuốc flecaine.
  • Nhóm II: Là thuốc ức chế các thụ thể beta giao cảm, giảm nồng độ catecholamine. Có tác dụng làm ức chế co bóp tim. Đứng đầu là thuốc propranolol. Nhóm này có 2 tiểu nhóm là: nhóm chọn lọc lên cơ tim và nhóm không chọn lọc lên cơ tim, trong đó có thuốc có tác dụng trên giao cảm nội tại và thuốc không có tác dụng trên giao cảm nội tại.
  • Nhóm III: Đứng đầu là thuốc amiodarone. Có tác dụng kéo dài thời kỳ trơ và điện thế động nhờ tác dụng ức chế kênh kali ra khỏi tế bào. Nên ít làm giảm sự co bóp tim.
  • Nhóm IV: Nhóm này ức chế kênh canxi chậm đi vào trong tế bào. Ức chế cả sự dẫn truyền lẫn tự động. Nhóm này làm giảm sự co bóp tim. Đứng đầu nhóm là thuốc verapamil.

Ngoài ra còn có một số thuốc cũng có tác dụng chống rối loạn nhịp tim nhưng chưa được phân loại chính thức vào nhóm nào của phân loại theo Vaughan-Williams. Đó là thuốc digital và ATP.

Các thuốc chống loạn nhịp tim chính thường dùng

Thuốc điều trị chống rối loạn nhịp tim

Thuốc điều trị chống rối loạn nhịp tim

Thuốc Quinidine:

Thuốc này nằm trong nhóm Ia của Vaughan-Williams, vì tác dụng phụ nhiều nên hiện nay ít được dùng. Thuốc được bài tiết qua gan.
Liều lượng: Trẻ em: Quinidine sulfate 30-60mg/kg/ngày chia làm 4 lần; người lớn: 300-600mg/ngày chia làm 4 lần.
Tương tác thuốc:Các thuốc Amiodarone, cimetidine, verapamil gây tăng nồng độ quinidine trong máu. Các thuốc Phenyltoine, phenobarbital, rifampicine làm giảm nồng độ của quinidine trong máu. Quinidine còn làm tăng nồng độ của digital khoảng 50%, cũng như tăng tác dụng của thuốc kháng đông warfarine.
Tác dụng phụ: Thuốc gây chán ăn, nôn, buồn nôn. Gây rối loạn nhịp khoảng 15% ở người lớn trong đó có xoắn đỉnh và ngất.

Thuốc Disopyramide (Rythmodan):

Thuốc này nằm trong nhóm Ia của Vaughan-Williams. Bài tiết: 50% qua gan và 50% qua thận.
Liều lượng: người lớn 300-1000mg/kg/ngày, được chia làm 4 lần.
Tương tác thuốc: Các thuốc atenolol, erythromycine làm tăng nồng độ của disopyramide. Tăng tác dụng của thuốc kháng đông warfarine và tăng độc tính của thuốc lidocaine.
Tác dụng phụ: Thuốc gây khô miệng, bí tiểu, nhìn mờ, táo bón, có thể làm suy tim nặng do giảm co bóp tim, gây rối loạn nhịp.

Các loại thuốc chồng rối loạn nhịp tim

Các loại thuốc chồng rối loạn nhịp tim

Thuốc Lidocaine (Xylocaine):

Thuốc này nằm trong nhóm Ib của Vaughan-Williams. Thuốc được bài tiết qua gan.
Liều lượng: Liều tấn công bằng đường tĩnh mạch dùng 0.5-1.0 mg/kg/lần. Có thể lặp lại sau 5-10 phút khi có kết quả, liều tối đa lên đến 5mg/kg. Liều duy trì: 20-50mcg/kg/phút, giảm liều nếu dùng thuốc trên 24 giờ.
Tương tác thuốc: Thuốc ức chế bêta, cimetidine làm tăng nồng của lidocaine. Các thuốc Phenyltoine, phenobarbital, rìfampycine và isoproterenol lại làm giảm nồng độ. Gây tăng độc tính lidocaine khi dùng phối hợp với disopyramid.
Tác dụng phụ: Chủ yếu tác động lên hệ thần kinh như co giật, dị cảm, mất cảm giác, ngừng hô hấp.

Thuốc Flecaine:

Thuốc thuộc nhóm Ic. Bài tiết: 50% ở gan và 50% ở thận.
Liều lượng: Người lớn uống 200-400mg/ngày.
Tương tác thuốc: Các thuốc Amiodarone, cimetidine làm tăng nồng độ của thuốc trong máu. Thuốc Propranolol làm tăng nồng độ của cả hai trong máu. Tăng nồng độ digital lên khoảng 50%.
Tác dung phụ: Các biểu hiện lên hệ thần kinh như run, đau đầu, dị cảm, giảm đi khi giảm liều thuốc. Làm giảm co bóp tim nên không dùng cho người bệnh suy tim. Có tác dụng gây rối loạn nhịp tim nếu dùng ở bệnh nhân có thương tổn cơ tim.

Thuốc Propranolol:

Thuốc này thuộc Nhóm II của Vaughan-Williams.Bài tiết chủ yếu qua gan
Liều lượng: Đường uống 2-5mg/kg/ngày chia làm 4 lần. Đường tĩnh mạch 0.1-0.2mg/kg/liều trong 5 phút. Có thể lập lại sau mỗi 6 giờ.
Tương tác thuốc: Cimetidine, furosemide, quinidine làm tăng nồng độ của thuốc. Phenyltoine, phenobarbital, rifampicine làm giảm nồng độ của thuốc trong máu.
Tác dụng phụ: Làm chậm nhịp tim, làm tăng block tim, tăng suy tim, co thắt phế quản, gây tăng đường máu, có thể gây trầm cảm, liệt dương.

Thuốc Amiodarone:

Thuốc thuốc nhóm III của Vaughan-Williams.
Liều lượng: Liều uống tấn công ở người lớn 10mg/kg, chia 2 lần / ngày trong 10 ngày sau đó giảm liều xuống liều duy trì 5 mg/kg/ ngày trong 2 tháng rồi giảm lại nửa liều.
Tương tác thuốc: Thuốc amiodaron làm tăng tác dụng của thuốc warfarine khoảng 100%, digoxine 70%, quinidine 33% và procainamid 50%. Thuốc còn làm tăng nồng độ của flecaine, phenyltoine. Có tác dụng hiệp đồng với thuốc ức chế bêta, chẹn kênh canxi nên không dùng phối hợp các loại này với người bệnh suy tim.
Tác dụng phụ: Rất ít gặp. Có thể gây viêm phổi,rối loạn chức năng tại gan, tuyến giáp, lắng đọng kết mạc mắt, xạm da nếu điều trị lâu dài.

Thuốc Adenosine:

Thuốc không nằm trong phân nhóm của Vaughan-Willams nhưng có tác dụng chống loạn nhịp tim khá tốt nên có tác giả đề xuất ở nhóm VI. (Thuốc Digital được đề xuất ở nhóm V).
Bài tiết: Thuốc có tác dụng cực ngắn, chỉ dưới 10 giây.
Liều lượng: Tiêm tĩnh mạch nhanh liều 50-250mcg/kg. Có thể nhắc lại sau 5-15 phút.
Tương tác thuốc: Các thuốc Dipyridamol, diazepam làm tăng nồng độ của adenosine. Thuốc Theophyliine và quinidine làm giảm nồng độ thuốc. Thuốc Adenosine có thể có tác dụng hiệp đồng với verapamil.
Tác dụng phụ: Gây khó thở, đau ngực, nôn nhưng giảm nhanh.

Trên đây là các thuốc điều trị rối loạn nhịp tim thông thường hay được sử dụng cả trong bệnh viện và tại nhà. Người bệnh không nên tự ý sử dụng, đổi liều hay tự ý bỏ thuốc khi chưa có chỉ định hay lời khuyên của bác sĩ chuyên khoa. Vì tùy thuộc vào thể trạng người bệnh và tình trạng bệnh nhân mà phù hợp với mỗi loại thuốc khác nhau. Khi có các rối loạn về nhịp tim hay có các vấn đề về bệnh tim mạch cần tư vấn, vui lòng liên hệ đến số tư vấn Bác sĩ Tim mạch: 0932319099

Đánh giá bài viết
1 bầu chọn /trung bình: 5
Quảng cáo cuối bài tin