Skip to content

Đừng ‘yêu’ bệnh viện

Bác Sĩ Tim Mạch 07.05.20191149 lượt xem
Nếu thống kê đầy đủ và công bố tổng số tiền người Việt Nam đã bỏ ra để sang nước ngoài khám chữa bệnh chắc chắn sẽ làm rất nhiều người trong chúng ta ngã ngửa vì ngạc nhiên. Tại hội nghị cuối năm 2018, Bộ trưởng Y tế cho biết mỗi năm người Việt chi khoảng 2 tỷ USD ra nước ngoài chữa bệnh. Năm, bảy năm trước, họ đi Singapore, Thái Lan, nay cao cấp hơn là sang Mỹ, sang Nhật.

Nhìn những thượng đế hồ hởi cầm trên tay tập hồ sơ kiểm tra sức khỏe dày cộp, giá trị bộn tiền, tôi thấy người Việt chúng ta lo lắng về sức khỏe thế nào. Cũng đúng thôi vì khi đã kiếm được đủ tiền, chúng ta sẽ lo sao có đủ sức khoẻ và sống đủ lâu để tiêu hết số tiền mà mình tích góp được. Nhưng vấn đề quan trọng hơn đặt ra là làm sao không phải đến bệnh viện dù ở Việt Nam hay Singapore, Mỹ, Nhật.

Phòng bệnh như thế nào trong một thế giới mà bệnh tật bủa vây ta cả nghĩa đen và nghĩa bóng?

Phòng bệnh được chia làm hai nhóm chính.

Một là chủ động phòng bệnh bằng cách tập luyện thường xuyên và chế độ dinh dưỡng lành mạnh. Nôm na là tập thể dục hàng ngày và ăn sạch, ăn "bóp mồm bóp miệng".

Nghe thì dễ nhưng đạt được việc này chắc phải đợi đến tuổi hưu trí. Lúc này chúng ta mới có thời gian sống chậm lại, có nhóm bạn cùng sở thích tập thể dục và cũng là lúc bắt đầu sợ chết, chứ không phải bận rộn với nhóm bạn nhậu nhẹt, đánh chén và bàn cách kiếm tiền mỗi ngày. Nhưng chắc khi ấy đã hơi muộn vì bụng ta đã nhiều mỡ, đầu gối đã bắt đầu sưng vì ít vận động hay cái dạ dày tội nghiệp đã xung huyết vì trải qua bao "trận mạc".

Muộn còn hơn không. Với sự cố gắng tập luyện, rất nhiều bệnh mãn tính của nhiều cô, bác đã bị đẩy lùi hoặc trở nên ổn định. Một điều tốt đẹp nhất tôi thấy gần đây là các phong trào tập luyện được giới trẻ hào hứng tham gia như chạy bộ, đạp xe, yoga... Đây là tín hiệu rất đáng mừng trong thói quen của cộng đồng. Nó cũng làm một người bận rộn như tôi phải xấu hổ và lập ra kế hoạch đi bơi trở lại.


Nguyễn Lân Hiếu - Tiến sĩ Y Khoa

Tước đây, khi học ở Pháp tôi đã rất thích môn thể thao này. Bơi là môn có thể tự tập luyện được một mình, chủ động thời gian và đặc biệt khỏe cho nhiều bộ phận trong cơ thể. Khi đi công tác ở bất cứ đâu, thứ không thể thiếu được trong va li của tôi là chiếc quần bơi chứ không phải cái laptop. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, do công việc tôi đã bỏ thói quen. Kết quả là số quần đang từ 31 đã lên 32 và vài chiếc áo chemise ưng ý không còn mặc được nữa. Quyết tâm bơi lại để thu nhỏ vòng hai thêm vài centimet là mục tiêu trong năm nay của tôi.

Ngoài tác động tốt rõ ràng đến sức khoẻ, như cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái, minh mẫn hơn, thói quen tập luyện hàng ngày còn là vị bác sĩ riêng chính xác nhất cho bạn, giúp bạn lắng nghe cơ thể. Nếu tự nhiên việc gắng sức thông thường của mình bị khó khăn, hạn chế, tín hiệu đó chính là hồi chuông báo động để bạn cần đến bệnh viện kiểm tra. Bác sĩ tim mạch như tôi thích nhất những bệnh nhân tập luyện thường xuyên còn bởi lý do này.

Về ăn uống thì các chuyên gia đã nói rất nhiều, nhiều đến nỗi làm cho chúng ta hoang mang: liệu bây giờ biết ăn uống thế nào vì nhìn đâu cũng thấy không an toàn, nhìn đâu cũng đầy độc hại. Tôi thường khuyên người bệnh của mình chọn một chế độ dinh dưỡng tốt nhất cho căn bệnh chính của mình như đái tháo đường, tăng huyết áp hay rối loạn mỡ máu... Tôi cũng thường ít sử dụng từ "kiêng" và "cấm" mà thay vào đó khuyên bệnh nhân hạn chế, giảm dần; mỗi khi chuẩn bị đưa lên miệng những thứ hại cho sức khoẻ hãy nghĩ đến việc sớm phải gặp lại ông bác sĩ khó tính này.

Nói thì dễ nhưng thực tế lại khó vô cùng. Vì đại đa số các thứ độc hại rất ngon, hấp dẫn và rất gây nghiện.

Hai là, phòng bệnh bằng cách phát hiện sớm để chữa bệnh từ trong "trứng nước", nghĩa là khám sức khỏe định kỳ. Câu hỏi đặt ra là bao lâu nên khám một lần và khám ở đâu, làm các xét nghiệm gì. "Niềm tin" là vấn đề đã được tôi đề cập trong các bài viết trước, nhưng ở lĩnh vực khám sức khỏe tổng quát cũng như tầm soát phát hiện sớm bệnh, tôi xin khẳng định Y học Việt Nam hiện nay có đủ khả năng làm rất tốt, thậm chí nhiều nơi lại có xu hướng làm "quá tốt".

Bản thân tôi là bác sĩ nhưng cũng rất ngại làm xét nghiệm. Mấy năm trước, bị vợ ép quá, tôi còn lấy đại kết quả xét nghiệm của cậu học trò với các chỉ số như mơ về trình với vợ. Nhưng quả thực hiện nay, với mô hình bệnh tật ngày càng phức tạp, việc xét nghiệm và khám tổng quát mỗi năm một lần là thực sự cần thiết. Không ngày nào tôi không gặp những bệnh nhân phát hiện khối u di căn hay ca tai biến mạch não do không biết mình bị tăng huyết áp.

Khi khám sức khỏe định kỳ, bạn nên chọn một bệnh viện cố định để có thể theo dõi, so sánh theo thời gian. Còn nếu không được như vậy, khi đi khám bạn nên mang theo hồ sơ cũ để bác sĩ không "tá hoả" vì một cái nhân xơ có từ trước hay một loạn nhịp tim bẩm sinh không cần điều trị. Chọn địa điểm khám là hết sức khó khăn trong giai đoạn hiện nay vì cơ sở y tế quá nhiều và khá "bát nháo" với đủ loại danh sách xét nghiệm, tầm soát khác nhau tuỳ theo túi tiền khách hàng.

Bác sĩ tốt sẽ là bác sĩ chỉ định các xét nghiệm cần thiết và hiệu quả cho từng trường hợp sau khi khám tổng quát. Tôi đã phì cười khi đọc kết quả xét nghiệm máu sau kiểm tra của bà chị với tầm soát cả... ung thư tuyến tiền liệt.

Tôi cũng có thêm một chia sẻ về mặt chuyên môn: xét nghiệm cận lâm sàng cũng được phân làm hai nhóm. Nhóm để chẩn đoán về giải phẫu (anatomy) và nhóm chẩn đoán về chức năng (function). Hiện nay nhóm một đang chiếm ưu thế vì tính nhanh gọn, rõ ràng, chưa kể hiệu quả về kinh tế. Tuy nhiên, với tôi, xét nghiệm về chức năng mới là xét nghiệm để tôi quyết định có điều trị hay không và điều trị bằng phương pháp nào. Suy cho cùng, cung và cầu vẫn là nguyên lý chung để "vận hành" cơ thể của chúng ta.

Bố tôi bị tắc mạch vành mãn tính, đã phát hiện cách đây 10 năm, nhưng các thăm dò chức năng cho thấy quả tim của ông vẫn hoàn toàn bình thường khi vận hành với tốc độ cao (stress test). Chính vì vậy, tôi đã quyết không mở thông lại cái mạch máu đã tắc từ thưở nào. Viết đến đoạn này, tôi sực nhớ đã quá hạn kiểm tra định kỳ cho ông nhưng vì ông bận quá nên cứ lần lữa. Mong bố tôi đọc bài này và tuần sau đi khám.

Các bạn trẻ cũng vậy, tập thể dục thường xuyên và nhắc phụ huynh mình đi kiểm tra sức khỏe định kỳ. Chúng tôi là bác sĩ, nhưng chẳng bao giờ thích khách hàng gặp những bệnh nan y mà hoàn toàn có thể tránh được bằng những phương pháp giản đơn.

Nguyễn Lân Hiếu

Theo www.vnexpress.net

Đánh giá bài viết
2 bầu chọn /trung bình: 5
Quảng cáo cuối bài tin