Rối loạn mỡ máu là gì?
Bình thường trong máu luôn có một tỷ lệ mỡ nhất định và được đánh giá bằng các chỉ số qua xét nghiệm sinh hóa (cholesterol, triglycerid,...). Khi có sự biến động bất thường về các chỉ sổ này thì được coi là rối loạn mỡ máu như tăng cholesterol toàn phần, tăng LDL-cholesterol, tăng triglycerid, giảm HDL-cholesterol, có thể bất thường ở một thông số hoặc có sự kết hợp giữa các thông số.
Cholesterol trong máu được tạo thành từ một nhóm các chất béo cần thiết cho cơ thể. Những chất béo này được sản xuất từ gan và tham gia vào nhiều hoạt động chức năng trong cơ thể. Khi lượng mỡ máu trong cơ thể bị rối loạn (mỡ máu xấu tăng cao hoặc mỡ máu tốt giảm thấp hoặc cả hai),người bệnh sẽ có nguy cơ mắc xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, tắc nghẽn mạch máu, tăng nguy cơ gây suy tim, đột quỵ.
Hệ lụy từ bệnh lý rối loạn mỡ máu
Trước đây, người ta thường đề cập tới rối loạn mỡ máu ở những người bệnh tuổi từ 60 trở lên. Nhưng với sự phát triển ngày càng nhanh chóng của xã hội hiện nay, ngay từ tuổi 20 trở đi đã có nhiều người bệnh bị rối loạn mỡ máu. Hệ lụy trực tiếp và thường gặp nhất của rối loạn mỡ máu là biến máu mạch máu, gây xơ vữa động mạch; và bệnh cũng liên quan đến nhiều bệnh lý về chuyển hóa khác.
Xơ vữa động mạch
Trong cơ thể chúng ta có 2 loại mỡ máu được gọi là “tốt” và “xấu”. Hầu hết lượng cholesterol toàn phần, LDL- Cholesterol có trong máu là có hại (xấu). Chỉ tồn tại một lượng nhỏ mỡ máu tốt là HDL- Cholesterol có tác dụng chống lại sự xơ vữa động mạch.
Lượng cholesterol trong máu tăng cao là một nguyên nhân chính của quá trình xuất hiện xơ vữa động mạch và dần làm chít hẹp lòng các động mạch máu, nhất là động mạch vành - động mạch cung cấp máu cho tim. Điều này chính là lý do gây ra những cơn đau thắt ngực, nặng hơn nữa có thể là một cơn nhồi máu cơ tim cấp nếu một nhánh nào đó của động mạch vành bị bít tắc hoàn toàn. Trường hợp cả lượng cholesterol và triglycerid trong máu cùng tăng thì nguy cơ gây bệnh mạch vành tăng lên gấp nhiều lần và đồng thời cũng thúc đẩy nhanh hơn quá trình xơ vữa động mạch, có thể để lại những biến chứng rất nguy hiểm, thậm chí là đe dọa tính mạng của người bệnh.
Cholesterol xấu trong máu tăng cao, phần dư thừa sẽ lắng đọng vào bề mặt lớp nội mô và cơ trơn của lòng động mạch, hình thành nên những mảng xơ vữa, làm hẹp tắc mạch máu. Hơn nữa, mỡ máu tăng cũng làm thành mạch trở nên xơ cứng và dễ xuất hiện cục máu đông. Nguy cơ mắc bệnh động mạch vành và các bệnh lý tim mạch khác sẽ tăng lên cao hơn nếu người bệnh có các yếu tố nguy cơ khác như béo phì, thừa cân, hút thuốc lá,...
Tăng huyết áp
Rối loạn mỡ máu làm ảnh hưởng xấu tới thành động mạch, khiến lòng mạch bị chít hẹp, kém đàn hồi. Để đảm bảo cung cấp máu đầy đủ, cơ thể cần phải có sự thay đổi để duy trì hoạt động như tăng nhịp tim, tăng sức cơ bóp cơ tim,... làm huyết áp tăng lên.
Đồng thời, rối loạn mỡ máu còn làm tăng độ nhớt của máu góp phần làm tăng huyết áp. Bản thân tăng huyết áp đã làm tổn thương lớp nội mô của mạch máu, việc cholesterol dư thừa trong máu làm gia tăng quá trình xơ vữa động mạch và làm nặng hơn tổn thương lớp nội mô mạch máu. Tăng huyết áp lại dẫn tới nhiều bệnh lý nguy hiểm khác như nhồi máu cơ tim, suy thận, gây mù lòa, tai biến mạch máu não,...
Đột quỵ
Rối loạn mỡ máu là nguyên nhân cũng như tác nhân thúc đẩy quá trình hình thành mảng xơ vữa trong lòng mạch. Khi các mảng xơ vữa bong ra và di chuyển trong lòng mạch sẽ làm giảm sự lưu thông của dòng máu, giảm lưu lượng tuần hoàn, nếu xảy ra ở mạch máu não sẽ gây thiếu máu não. Trường hợp nặng hơn, khi mảng xơ vữa, cục máu đông làm tắc nghẽn hoàn toàn lòng mạch máu não gây ra đột quỵ não (nhồi máu não). Nếu tắc ở nhánh của động mạch vành thì gây ra đột quỵ tim (nhồi máu cơ tim). Cả hai đều rất nguy hiểm và đe dọa tính mạng của người bệnh, để lại những gánh nặng bệnh tật cho bản thân bệnh nhân cũng như gia đình và toàn xã hội. Có nhiều thống kê chỉ ra rằng, có khoảng 93% bệnh nhân đột quỵ não mắc bệnh lý rối loạn mỡ máu.
Gan nhiễm mỡ
Gan là cơ quan bộ phận sản xuất và tích lũy chất béo. Khi lượng chất béo tích trữ trong gan vượt quá 5% trọng lượng của gan gọi là gan nhiễm mỡ. Gan nhiễm mỡ thường không có triệu chứng rõ ràng nhưng lại ảnh hưởng trực tiếp tới chức năng gan và có khả năng gây xơ gan. Tình trạng gan nhiễm mỡ nặng có thể khiến người bệnh có biểu hiện vàng da, đau bụng, buồn nôn, nôn, gan to.
Đái tháo đường
Rối loạn mỡ máu là một bệnh lý về rối loạn chuyển hóa, làm tăng lượng chất béo tự do trong máu, làm rối loạn chức năng của tế bào tại tụy. Từ đó làm suy giảm việc bài tiết insulin gây rối loạn chuyển hóa đường hoặc đái tháo đường. Rối loạn mỡ máu tác động tới đường huyết, gây ra đái tháo đường; đồng thời đái tháo đường lâu ngày cũng sẽ kéo theo rối loạn mỡ máu. Hai bệnh lý này có quan hệ chặt chẽ với nhau và có thể tạo ra một vòng xoắn bệnh lý.
Cách phát hiện ra rối loạn mỡ máu
Rối loạn mỡ máu thường là hậu quả của béo phì, thừa cân, lười vận động; là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não.
Bệnh thường không có dấu hiệu điển hình để cảnh báo. Cách duy nhất để phát hiện ra rối loạn mỡ máu chính là làm xét nghiệm sinh hóa máu. Mẫu máu xét nghiệm này sẽ lấy từ tĩnh mạch và người bệnh cần nhịn đói ít nhất 8 tiếng trước khi thực hiện (thường lấy máu vào buổi sáng sớm trước bữa ăn sáng).
Vì không có dấu hiệu báo trước nên bệnh thường được phát hiện một cách tình cờ khi người bệnh đi khám sức khỏe định kỳ hoặc khi người bệnh đã có tiền sử tim mạch trước đó. Thậm chí có những trường hợp người bệnh chỉ phát hiện ra khi đã có những biến chứng nặng.
Rối loạn mỡ máu tuy không phải là bệnh lý cấp tính nhưng hệ lụy từ nó gây ra lại không hề đơn giản, sẽ phát sinh nhiều bệnh lý khác, nhất là bệnh lý tim mạch nguy hiểm như bệnh mạch vành, tăng huyết áp… Bệnh diễn tiến âm thầm nên người bệnh nên chủ động với sức khỏe của mình. Hãy dành thời gian để quan tâm tới sức khỏe của mình nhiều hơn trong cuộc sống xô bồ của xã hội hiện đại.
Biên tập bởi Bác sĩ tim mạch