Thế nào là huyết khối?
Huyết khối hay còn gọi là cục máu đông được hình thành bởi các yếu tố đông máu, giúp cầm máu. Khi bạn bị thương, chảy máu, quá trình tạo cục máu đông sẽ được kích hoạt. Tiểu cầu sẽ ngưng tập đến vị trí bị tổn thương, tạo ra các nút chặn, cùng với các yếu tố đông máu hình thành các sợi fibrin giữ tiểu cầu lại với nhau, phóng thích các chất hóa học để hình thành cục máu đông. Các protein trong cơ thể sẽ giúp xác định thời điểm dừng quá trình tạo huyết khối.
Tuy nhiên, huyết khối trong lòng mạch lại là “hung thần” vì nó gây ra những biến chứng nguy hiểm tới hệ tuần hoàn, não, và nguy cơ gây đột quỵ cao. Huyết khối đi trong lòng mạch làm cản trở tốc độ dòng máu, khiến máu trong lòng mạch sẽ lắng đọng dần dần gây ra thuyên tắc, làm việc cung cấp máu tới mô và cơ quan trong cơ thể bị gián đoạn.
Những nguy hại của huyết khối gây ra cho cơ thể
Việc có mặt của huyết khối hay cục máu đông trong lòng mạch là rất nguy hiểm, nó có thể di chuyển tự do trong lòng mạch và gây tác động xấu tới bất kì bộ phận, cơ quan nào mà nó tới như gây tăng huyết áp, rối loạn chức năng tim, nhồi máu cơ tim, nhồi máu não và thậm chí là đe dọa tính mạng của người bệnh.
Huyết khối tác động xấu tới tim mạch
Huyết khối là một nguyên nhân gây ra những cơn đau thắt ngực không ổn định, nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ra cơn nhồi máu cơ tim cấp, đe dọa cướp đi mạng sống của người bệnh.
Động mạch vành là con đường duy nhất để cung cấp máu cho cơ tim, khi huyết khối xuất hiện trong lòng động mạch vành gây ra tình trạng tắc nghẽn, gây bệnh động mạch vành. Huyết khối càng nhiều, càng làm cản trở sự lưu thông máu đến cơ tim, vùng tim được mạch máu đó nuôi dưỡng sẽ xuất hiện tình trạng thiếu oxy, hoại tử, cuối cùng là tình trạng nhồi máu cơ tim cần được cấp cứu.
Huyết khối gây thuyên tắc phổi
Huyết khối trong lòng mạch sẽ di chuyển cùng với dòng máu, tới mạch máu của phổi sẽ gây ra tình trạng thuyên tắc phổi. Điều này thường xảy ra với những người có tiền sử huyết khối, giảm khả năng hoạt động hoặc người bệnh nằm trên giường trong thời gian dài.
Huyết khối gây thuyên tắc phổi có thể khiến người bệnh tử vong vì suy hô hấp và suy tuần hoàn nếu không phát hiện và xử trí kịp.
Huyết khối gây đột quỵ não
Cũng như ở tim, phổi, khi huyết khối xuất hiện ở mạch máu não có thể gây đột quỵ não. Nó làm cản trở dòng máu lưu thông đến não. Khiến chức năng mô não sau đột quỵ khó hồi phục; làm trí nhớ và khả năng tự chăm sóc cho bản thân của người bệnh bị giảm sút; nghiêm trọng hơn người bệnh có thể tử vong.
Huyết khối có thể gây suy thận
Thận cũng là một cơ quan mà huyết khối không loại trừ để xuất hiện. Tại thận có rất nhiều mạch máu nhỏ, nên nguy cơ các mạch máu bị tắc nghẽn do cục máu đông lại càng cao. Khi đó, chức năng thận bị suy giảm, khả năng chuyển hóa tại thân bị ảnh hưởng xấu và cuối cùng suy thận là điều khó có thể tránh khỏi.
Bên cạnh đó, huyết khối xuất hiện ở hệ thống mạch sâu hơn, sẽ gây đau và nguy hiểm; biến chứng nghiêm trọng nhất mà nó gây ra là cục máu đông rơi vào phổi, tim, não làm tắc mạch. Nhận biết được những dấu hiệu cảnh báo là vô cùng quan trong vì nó thường dễ bị bỏ qua.
Những dấu hiệu cảnh báo nguy cơ huyết khối
Đau thắt ngực
Khi cục máu đông di chuyển đến phổi, nó có thể gây thuyên tắc phổi, tới tim gây ra nhồi máu cơ tim và triệu chứng rất giống với một cơn đau thắt ngực được mô tả đau ở vùng giữa ngực sau xương ức, đau có thể lan lên cổ, vai, tay, hàm, thượng vị, ra sau lưng hoặc hướng lan lên vai trái rồi xuống tay trái, có khi xuống tận ngón tay. Cơn đau thường xuất hiện khi gắng sức, xúc cảm mạnh, thay đổi thời tiết(nhất là gặp lạnh); một số trường hợp xuất hiện về đêm, khi thay đổi tư thế hoặc khi kèm cơn nhịp nhanh.
Đau đầu đột ngột, dữ dội
Cục máu đông lớn di chuyển tới mạch máu não gây tắc mạch não hoặc cản trở dòng máu lưu thông tới não sẽ gây cho người bệnh những cơn đau đầu đột ngột,dữ dội. Người bệnh có thể ngất, hôn mê, co giật… Với tình trạng này, người bệnh cần được cấp cứu kịp thời, càng nhanh càng tốt bởi thời gian xử trí sớm sẽ càng giúp bảo vệ tính mạng và sức khỏe của người bệnh.
Khó thở
Huyết khối làm cản trở sự lưu thông máu, có thể khiến nồng độ oxy giảm sút. Người bệnh có thể cảm thấy khó thở, nhịp tim tăng lên,... Đây cũng có thể là triếu chứng báo hiệu cục máu đông đã di chuyển đến tim, phổi.
Phù nề tay chân
Sự xuất hiện phù nề tay chân có thể cảnh báo với bạn rằng có thể đang có cục máu đông ở tĩnh mạch. Quá trình máu lưu thông từ các chi về tim và ngược lại bị cản trở bởi huyết khối, gây áp lực làm cho dịch thoát ra khiến tay chân bị sưng phù. Hầu hết các trường hợp huyết khối tĩnh mạch sâu đều có biểu hiện sưng phù chân bị bệnh.
Lạnh bàn tay bàn chân
Bàn tay bàn chân lạnh có thể là do vị trí của huyết khối thấp, ảnh hưởng tới sự lưu thông máu tới bàn chân, bàn tay, khiến tay chân bị thiếu máu cục bộ trở nên lạnh, tê, dễ đau mỏi, nhất là khi đi bộ nhiều.
Đau cách hồi
Đau có thể kèm theo đổi màu da và sưng. Đau cách hồi thường gặp ở chi dưới, khi huyết khối làm tắc hẹp mạch cung cấp máu cho chân. Triệu chứng đau thường dễ nhầm với chuột rút, căng cơ…
Ngoài những triệu chứng nếu trên, người bệnh có thể bị hoa mắt chóng mặt, choáng váng đột ngột,... Nhận biết được những dấu hiệu cảnh báo nguy cơ huyết khối sẽ giúp bạn phát hiện sớm và điều trị kịp thời, tránh được những hậu quả khó lường trước do nó gây ra.
Biên tập bởi Bác sĩ tim mạch