Giữ ấm cơ thể khi trời lạnh
Thời tiết bất ngờ trở lạnh dễ khiến bất kể ai, ngay cả những người khỏe mạnh mắc các bệnh như cảm cúm, viêm họng, viêm phổi,.... Đặc biệt là với người bệnh tăng huyết áp, bởi khi nhiệt độ thấp làm cho các mao mạch co lại, huyết áp đột ngột tăng cao, dễ gây các biến chứng như tai biến, đột quỵ,...
Chính vì vậy, khi trời trở lạnh, người bệnh cần giữ ấm cơ thể, nhất là vùng đầu, cổ, bàn chân; hạn chế ra ngoài khi nhiệt độ ngoài trời giảm xuống quá thấp. Người bệnh cần mặc đủ ấm ngày cả khi ở nhà, sử dụng khẩu trang, khăn quàng cổ, găng tay, tất chân, nón mũ che đầu khi phải đi ra ngoài để tránh hít thở không khí lạnh, không bị mất nhiệt, đảm bảo quá trình lưu thông máu diễn ra bình thường.
Phòng ngủ đảm bảo kín gió, ấm áp; sử dụng các biện pháp để giữ ấm như chăn điện, túi sửa, bóng điện đỏ, điều hòa,... Không nên sử dụng bếp than tổ ong, than củi để sưởi trong phòng kín, bởi dễ gây cháy, ngộ độc khí CO, rất nguy hiểm.
Người bệnh tăng huyết áp cần cố gắng giữ cho nhiệt độ cơ thể ấm, ổn định, tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột khiến cơ thể không kịp thích ứng, dễ gây tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim,...
Thay đổi lối sống người bệnh tăng huyết áp
Người bệnh tăng huyết áp cần kiểm soát chế độ ăn, nhất là ăn nhạt. Nên lựa chọn những loại thực phẩm giàu dinh dưỡng như thịt nạc, phần trắng của thịt gà, cá, sữa, các loại đậu và ngũ cốc nguyên cám, rau xanh, hoa quả, nhất là các loại giàu kali giúp lợi tiểu, hạ áp. Không nên sử dụng quá nhiều những thực phẩm chế biến sẵn, chứa nhiều chất béo bất lợi (nhất là phủ tạng động vật); các thực phẩm nhiều muối như dưa muối, cà muối,...không phải dành cho người bệnh tăng huyết áp.
Tuyệt đối bỏ thuốc lá, thuốc lào, các chất kích thích khác. Rượu, bia không phải là nguyên nhân gây tăng huyết áp nhưng lại là yếu tố nguy cơ cao trong việc khởi phát cơn tăng huyết áp cũng như biến chứng do tăng huyết áp. Trời lạnh, nhiều người bệnh nghĩ rằng càng uống rượu bia sẽ càng làm ấm cơ thể hơn, nhưng khi ra ngoài trời lạnh sẽ càng dễ khiến người bệnh bị tai biến, đột quỵ. Tuy nhiên, nếu sử dụng đúng loại rượu, uống đúng, hợp lý thì rượu bia cũng sẽ mang lại những lợi ích nhất định.
Bên cạnh đó, người bệnh tăng huyết áp cũng cần lên cho mình một thời gian biểu khác so với thời tiết nóng của mùa hè. Không nên thức quá khuya và dậy quá sớm, vì càng về khuya nhiệt độ càng giảm xuống thấp. Sau một đêm nằm tĩnh trên giường, cơ thể sẽ bị giảm khả năng đáp ứng với sự thay đổi bên ngoài, các mạch máu đàn hồi kém hơi, khí huyết lưu thông cũng không thực sự tốt. Nếu bạn dậy quá sớm, gặp gió lạnh buổi sáng sớm sẽ khiến huyết áp tăng cao đột ngột. Đã có rất nhiều trường hợp người bệnh tăng huyết áp bị đột quỵ, tai biến khi thức khuya hoặc dậy sớm.
Rèn luyện thể lực người bệnh tăng huyết áp khi trời lạnh
Mặc dù trời lạnh, nhưng việc rèn luyện thể lực vẫn không thể bỏ qua. Tập luyện thể lực thường xuyên và phù hợp với sức khỏe của từng cá nhân là rất quan trọng trong quá trình điều trị bệnh tăng huyết áp, góp phần nâng cao sức đề kháng của cơ thể và ổn định huyết áp.
Người bệnh nên lựa chọn hình thức tập luyện vừa sức, phù hợp với điều kiện hoàn cảnh như đi bộ, tập dưỡng sinh, thái cực quyền, khí công, yoga,... Cần lựa chọn không gian tập luyện kín gió và khởi động thật kỹ trước khi tập. Bạn đừng quên rằng không nên tập thể dục vào lúc sáng sớm hoặc tối muộn; nếu thời tiết quá lạnh, hãy tập luyện nhẹ nhàng ở trong nhà.
Tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị tăng huyết áp
Thời tiết có trở lạnh thì người bệnh tăng huyết áp vẫn cần phải tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị, thăm khám định kỳ; không tự ý bỏ thuốc hoặc dùng thêm thuốc khi chưa hỏi ý kiến của bác sĩ điều trị. Khi trị số huyết áp đã ở mức bình thường, người bệnh cũng không nên tự ý dừng thuốc bởi nó có thể gây ra những cơn tăng huyết áp đột ngột để lại nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chỉ là tử vong.
Khi trời lạnh, sức đề kháng của cơ thể bị suy giảm, dễ khiến nhiều người bệnh tăng huyết áp nói riêng và bệnh tim mạch nói chung trở nặng hơn. Nếu bạn thấy xuất hiện các triệu chứng như đau tức ngực, hoa mắt chóng mặt, nóng bừng mặt, huyết áp tăng, khó thở,... cần báo ngay cho bác sĩ để có hướng xử trí kịp thời.
Biên tập bởi Bác sĩ tim mạch