Bệnh mạch vành gây đau thắt ngực
Các động mạch vành cung cấp máu giàu ô xy cho cơ tim. Bệnh động mạch vành xuất hiện khi cholesterol tích tụ lại trên thành động mạch làm hình thành những chất cứng và dày được gọi là những mảng cholesterol.
Sự tích tụ các mảng cholesterol này lâu dần sẽ gây ra hẹp các động mạch vành, quá trình này được gọi là quá trình xơ hóa động mạch. Quá trình xơ hóa động mạch có thể tăng tốc dưới tác động của việc hút thuốc lá, tăng huyết áp, tăng nồng độ cholesterol và đái tháo đường.
Khi các động mạch vành trở nên hẹp hơn 50% đến 70% thì chúng sẽ không còn đáp ứng được nhu cầu ôxy của cơ tim trong lúc vận động hoặc trong lúc stress nữa. Cơ tim thiếu ô xy sẽ gây ra đau ngực (đau thắt ngực).
Bệnh mạch vành gây đau thắt ngực (hình ảnh minh họa)
Co thắt động mạch vành cũng là nguyên nhân gây đau thắt ngực
Thành của các động mạch được bao bọc bởi các sợi cơ. Sự co thắt nhanh của các sợi cơ này có thể làm cho các động mạch hẹp đột ngột. Sự co thắt của các động mạch vành này làm giảm lượng máu đến cơ tim và gây đau thắt ngực.
Cơn đau thắt ngực gây ra do co thắt mạch vành được gọi là đau thắt ngực biến thái. Đau thắt ngực biến thái thường xảy ra lúc nghỉ ngơi, thường là vào buổi sáng sớm. Sự co thắt có thể xảy ra ở những động mạch vành bình thường hoặc ở những động mạch vành bị xơ hóa.
Co thắt động mạch vành cũng có thể có nguyên nhân do sử dụng/lạm dụng cocaine. Co thắt thành động mạch gây ra do cocaine có thể rất mạnh và nó thật sự có thể gây ra một cơn nhồi máu.
Những nguyên nhân khác cũng có thể gây ra đau ngực
Khi hỗ trợ điều trị cho những bệnh nhân bị đau ngực, các bác sĩ sẽ phân biệt cơn đau ngực này có phải là do cơ tim thiếu ô xy hay không (cơn đau thắt ngực hoặc nhồi máu cơ tim),hoặc nó là do một nguyên nhân khác. Nhiều nguyên nhân có thể gây đau ngực tương tự với đau thắt ngực hoặc nhồi máu cơ tim được đem ra xem xét, bao gồm một số ví dụ sau:
- Viêm màng phổi: viêm lớp màng bao xung quanh phổi có thể gây đau chói ở ngực, tăng lên khi thở sâu và ho. Bệnh nhân thường cảm thấy khó thở, một phần là do họ cố gắng thở nông để làm giảm cơn đau ngực lại. Nhiễm virus là nguyên nhân gây viêm màng phổi thường gặp. Những tình trạng viêm hệ thống khác, chẳng hạn như lupus hệ thống, cũng có thể gây viêm màng phổi.
Viêm màng phổi gây đau thắt ngực ( ảnh minh họa)
- Viêm màng ngoài tim: là tình trạng viêm của lớp màng bao bên ngoài tim. Triệu chứng của viêm màng ngoài tim tương tự như viêm màng phổi.
- Viêm phổi: là tình trạng nhiễm vi trùng của phổi gây sốt và đau ngực. Đau ngực trong viêm phổi do vi trùng là do sự kích ứng hoặc sự nhiễm trùng của màng phổi gây ra.
- Thuyên tắc phổi: là tình trạng các cục máu đông (huyết khối) đi từ các tĩnh mạch ở vùng chậu hoặc ở chân lên đến phổi gây bít tắc. Thuyên tắc phổi có thể gây chết mô phổi (nhồi máu phổi). Nhồi máu phổi có thể gây kích ứng màng phổi, gây đau ngực tương tự như viêm màng phổi. Một số nguyên nhân thường gặp là do huyết khối tĩnh mạch sâu (bất động kéo dài, được phẫu thuật gần đây, chấn thương chân, nhiễm trùng vùng chậu).
- Tràn khí màng phổi: những túi khí nhỏ trong nhu mô phổi (phế nang) có thể tự động vỡ ra gây tràn khí màng phổi. Các triệu chứng của tràn khí màng phổi bao gồm: đau chói ở ngực đột ngột, nặng nề và khó thở. Một nguyên nhân thường gặp nhất gây tràn khí là khí phế thũng nặng.
- Sa van hai lá: Sa van hai lá là bất thường của van tim thường gặp, xuất hiện ở 5% đến 10% dân số. Sa van hai lá thường gặp nhất ở những phụ nữ từ 20 đến 40 tuổi. Đau ngực do sa van hai lá thường là đau chói nhưng không nặng nề. Không giống như cơn đau thắt ngực, đau ngực do sa van hai lá hiếm khi diễn ra trong khi hoặc sau khi luyện tập, và thường không đáp ứng với nitroglycerin.
- Bóc tách động mạch chủ: Động mạch chủ là mạch máu chính mang máu từ tâm thất trái phân phối cho tất cả phần còn lại của cơ thể. Bóc tách động mạch chủ (rách thành động mạch chủ) là một tình trạng cấp cứu đe dọa mạng sống. Bóc tách động mạch chủ có thể gây đau ngực và lưng nặng nề, không giảm.
Những người trẻ tuổi bị bóc tác động mạch chủ thường cũng bị hội chứng Marfan, là một bệnh di truyền trong đó một dạng bất thường của một loại đạm cấu trúc có tên là cô la gen gây yếu thành động mạch chủ. Những bệnh nhân lớn tuổi hơn thường bị bóc tác động mạch chủ là do kết quả của tình trạng tăng huyết áp mạn tính, thêm vào đó là tình trạng cứng lên toàn thể của các động mạch (xơ cứng động mạch).
- Viêm sụn sườn, gãy xương sườn, co thắt hoặc căng cơ: Những cơn đau có nguồn gốc từ thành ngực có thể là do cơ bị co thắt hoặc căng quá mức, viêm sụn sườn, hoặc gãy xương sườn. Cơn đau ở thành ngực thường là đau lói và liên tục. Nó thường nặng hơn khi di chuyển, ho, thở sâu, đè ép trực tiếp lên khu vực này. Co thắt hoặc căng cơ quá mức có thể là do xoay hoặc uốn người quá mức. Các khớp giữa các xương sườn và sụn cạnh xương ức có thể bị viêm, tình trạng này được gọi là viêm sụn sườn. Gãy xương sườn có thể do chấn thương hoặc do ung thư cũng có thể gây ra đau ngực đáng kể.
- Chèn ép dây thần kinh: các gốc thần kinh bị chèn ép do các mấu xương khi chúng đi ra khỏi tủy sống cũng có thể gây đau. Chèn ép dây thần kinh còn gây yếu và tê phần trên cánh tay và ngực.
- Bệnh Zona: Các dây thần kinh bị kích thích bởi nhiễm trùng gây đau ngực vài ngày trước khi nổi mẩn.
- Co thắt và trào ngược thực quản: Thực quản là một ống cơ dài nối miệng với dạ dày. Những chất chứa trong dạ dày và acid có thể bị trào ngược lên thực quản gây đau ngực. Co thắt các cơ của thực quản cũng có thể gây đau ngực có thể không phân biệt được với đau ngực do cơn đau thắt ngực hoặc do nhồi máu cơ tim. Nguyên nhân gây co thắt cơ thực quản không được biết rõ. Đau do co thắt thực quản cũng có thể đáp ứng với nitroglycerin tương tự như cơn đau thắt ngực.
Co thắt và trào ngược thực quản
- Đau do túi mật: Các sỏi mật có thể làm tắc nghẽn túi mật hoặc ống mật chủ gây ra đau nặng nề ở vùng bụng trên, lưng, và ngực. Cơn đau này đôi khi cũng có thể tương tự với cơn đau thắt ngực hoặc nhồi máu cơ tim.
- Lo lắng và cơn hoảng loạn: lo lắng, trầm cảm và những cơn hoảng loạn đôi khi cũng có thể đi kèm với đau ngực kéo dài từ vài phút đến vài ngày. Cơn đau có thể rõ rệt hoặc âm ỉ. Nó thường đi kèm với khó thở, hoặc không thể thở sâu được.
Những stress về cảm xúc có thể làm cơn đau tăng lên, nhưng cơn đau thường không liên quan đến gắng sức. Bệnh nhân thường thở quá nhanh (tăng thông khí),gây hoa mắt, tê, và ngứa ran ở môi và các ngón tay. Những yếu tố nguy cơ của bệnh mạch vành thường không thấy ở những bệnh nhân này.
Do không có xét nghiệm gì dùng để chẩn đoán cơn hoảng loạn nên bệnh nhân bị đau ngực thường được làm các kiểm tra để loại trừ bệnh mạch vành và những nguyên nhân gây đau ngực khác trước khi xác định chẩn đoán là đau ngực do hoảng loạn.
Vì sao việc củng cố chẩn đoán cơn đau thắt ngực lại quan trọng?
Cơn đau thắt ngực thường là dấu hiệu cảnh báo sự hiện diện của bệnh mạch vành với mức độ đáng kể. Những bệnh nhân bị cơn đau thắt ngực cũng có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim. Nhồi máu cơ tim là tình trạng cơ tim bị chết do mạch vành bị tắc nghẽn hoàn toàn do cục máu đông.
Cơn đau thắt ngực gây bệnh mạch vành
Khi bị đau thắt ngực, tình trạng thiếu ô xy của cơ tim là tạm thời và có thể hồi phục được. Tình trạng thiếu ôxy của cơ tim phục hồi và cơn đau ngực biến mất khi bệnh nhân nghỉ ngơi.
Ngược lại, những tổn thương của cơ trong nhồi máu cơ tim là vĩnh viễn. Cơ chết đi hóa thành mô sẹo khi lành lại. Tim bị sẹo sẽ không thể bơm máu một cách hiệu quả như một quả tim bình thường được và có thể dẫn đến suy tim.
Trên 25% bệnh nhân bị bệnh mạch vành với mức độ đáng kể không có triệu chứng gì cả, ngay cả khi rõ ràng họ thiếu máu và ôxy nuôi cơ tim. Những bệnh nhân này bị cơn đau thắt ngực 'im lặng'. Họ cũng có cùng nguy cơ bị nhồi máu cơ tim như với những người bị các triệu chứng đau thắt ngực khác.
Khi có dấu hiệu của cơ đau thắt ngực, để được phát hiện sớm và hỗ trợ điều trị bệnh kịp thời, quý độc giả có thể đến trực tiếp Phòng khám Nội tổng hợp Dr Nhat, số 2 ngõ 80 phố Nguyễn Lân, Quận Thanh Xuân, Hà Nội để được khám và tư vấn liệu pháp phù hợp. Hoặc gọi số 0932 319 099 để được bác sĩ tư vấn qua điện thoại trước khi tới phòng khám hoặc cơ sở y tế gần nhất.
Biên tập bởi Bác sĩ tim mạch
* Lưu ý: Tác dụng có thể khác nhau tùy theo cơ địa của người dùng