Muối và bệnh tim mạch
Muối là một trong những loại gia vị quen thuộc trong chế biến món ăn của người Việt từ xưa tới nay. Thành phần quan trọng trong muối đó chính là Natri; nó đóng vai điều chỉnh, cân bằng dịch thể, cân bằng hệ axit-base, dẫn truyền tín hiệu thần kinh-cơ, hỗ trợ hấp thu các dưỡng chất, đảm bảo chức năng hoạt động của tế bào,... Muối là chất rất cần thiết đối với cơ thể, nhưng nếu sử dụng quá nhiều sẽ gây hại cho sức khỏe như gây tăng huyết áp, bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não cũng nhiều bệnh tim mạch khác. Đồng thời, ăn nhiều muối sẽ làm gia tăng nguy cơ bị suy thận, loãng xương, ung thư hệ tiêu hóa (nhất là ung thư dạ dày).
Muối và bệnh tim mạch
Phó Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế) TS Trương Đình Bắc cho biết: Ăn nhiều muối là nguyên nhân quan trọng góp phần làm gia tăng tỷ lệ tăng huyết áp và các trường hợp tử vong do bệnh tim mạch. Pekka Jousilahti, giáo sư của Học viện Quốc gia Phần Lan cho biết: "Trái tim không thích muối. Lượng muối ăn vào cơ thể là một trong những nguyên nhân chính gây huyết áp cao, dẫn đến bệnh mạch vành và đột quỵ".
Ở các nước phát triển, muối ăn được đưa vào cơ thể chủ yếu từ thực phẩm chế biến sẵn hoặc do sử dụng quá nhiều thức ăn nhanh, ăn tại nhà hàng (chiếm 77%),còn ở Việt Nam hầu hết lượng muối đến từ muối, gia vị thêm vào trong quá trình chế biến thức ăn hoặc do chấm/trộn mắm, muối, gia vị khi ăn. Theo nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng quốc gia, 70% nguồn muối đến từ muối ăn, nước mắm và gia vị mặn cho vào thực phẩm khi chế biến và khi ăn; 20% từ thực phẩm chế biến sẵn và khoảng 10% muối có sẵn trong thực phẩm tự nhiên.
Ở nước ta, trung bình một người trưởng thành tiêu thụ 9,4g muối/ngày, trong khi Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo, mỗi người trưởng thành chỉ nên tiêu thụ dưới 5g muối/ngày (tương đương 1 thìa cà phê). Dù sử dụng nhiều muối nhưng khi được hỏi thì chỉ có 16% người dân nhận ra bản thân mình ăn mặn, trong khi thực tế hơn 90% trong số đó ăn quá 5g muối/ngày, 20% thường xuyên sử dụng thực phẩm chứa nhiều muối như dưa, cà muối, mì ăn liền, bim bim, lạc rang muối, dưa chuột muối, pho mát, thịt muối và các loại thịt chế biến khác (xúc xích, dăm bông, thịt xông khói, giò, chả...).
Sử dụng muối ăn đúng cách để giảm nguy cơ bệnh tim mạch
Muối và bệnh tim mạch- vấn đề không hề đơn giản
Theo khuyến cáo của tổ chức Y tế thế giới, mỗi người chỉ nên ăn dưới 5g muối/ngày; trẻ em cần ăn ít hơn nữa. Tuy nhiên đa số chúng ta đều ăn nhiều gấp 2-3 lần so với khuyến cáo. Việc sử dụng muối ăn đúng cách sẽ giúp chúng ta ngăn ngừa nguy cơ bệnh tim mạch. Nên áp dụng một số biện pháp sau:
- Nên lựa chọn ăn uống tại nhà để có thể dễ dàng kiểm soát lượng muối sử dụng
- Nên lựa chọn chế biến món ăn bằng cách hấp, luộc thay vì chiên, xào
- Sử dụng các gia vị tự nhiên để giúp món ăn đậm đà hơn như: tiêu đen, tỏi, gừng, chanh,...
- Với một số loại rau củ như cà chua, ớt chuông, bí xanh, bạn có thể nướng sơ qua để giữ mùi vị tự nhiên
- Những người mắc bệnh tim mạch, tăng huyết áp, bệnh thận cần ăn ít muối hơn theo hướng dẫn của cán bộ y tế
- Nên sử dụng muối và bột canh iốt
- Giảm 50% muối, bột nêm, mì chính, gia vị khi chế biến so với bình thường.
- Cách ước tính 5g muối cho một số loại gia vị: 3,5 thìa cà phê = 35g xì dầu; 1,5 thìa cà phê = 8 g bột canh; 2 thìa cà phê = 11g hạt nêm; 2,5 thìa cà phê = 26g nước mắm
- Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, cần thực hiện việc dán nhãn, công bố hàm lượng muối và cảnh báo sức khỏe đối với những loại thực phẩm chứa nhiều muối.
- Xây dựng khẩu phần ăn hàng ngày hợp lý, hạn chế lựa chọn thực phẩm chế biến sẵn mà thay bằng các thực phẩm tươi sống, tự nhiên.
- Đưa vào các hoạt động tuyên truyền, giáo dục để tất cả người dân đều có thể nhận biết được tầm quan trọng và mối nguy hại của lượng muối hấp thu vào cơ thể.
Muối và bệnh tim mạch là một vấn đề tưởng chừng như đơn giản nhưng không phải ai cũng hiểu rõ. Mỗi gia đình, mỗi cá nhân trong chúng ta hãy thực hiện thông điệp “Cho bớt muối - chấm nhẹ tay - giảm ngay đồ ăn mặn” để giảm lượng muối hấp thu vào cơ thể, cũng như giảm nguy cơ bệnh tật của chính mình và người thân.