Phân độ suy tim theo Hội tim mạch học New York (New York Heart Association – NYHA)
Phân độ theo NYHA dựa trên sự đánh giá mức độ hoạt động thể lực và các triệu chứng cơ năng của bệnh nhân; gồm 4 mức độ:
Suy tim được phân độ theo nhiều mức khác nhau
Độ I: Bệnh nhân có bệnh tim nhưng không bị hạn chế về mặt thể lực; sinh hoạt và hoạt động thể lực gần như bình thường, không gây mệt, khó thở hay hồi hộp.
Độ II: Bệnh nhân bị giảm nhẹ các hoạt động về thể lực. Các triệu chứng khó thở, hồi hộp, đau ngực,… chỉ xuất hiện khi gắng sức nhiều.
Độ III:Bệnh nhân bị hạn chế nhiều các hoạt động thể lực. Các triệu chứng khó thở, hồi hộp, đau ngực,… xuất hiện cả khi gắng sức rất ít.
Độ IV: Các triệu chứng của suy tim xuất hiện một cách thường xuyên và ngay cả khi nghỉ ngơi; thậm chí một vận động thể lực nhẹ cũng khiến các triệu chứng gia tăng.
Mặc dù phân độ này có nhược điểm là chủ quan, nhưng đơn giản và tiện dụng nên được chấp nhận và phổ biến nhất.Trong thực tế, cách phân loại này thích hợp đối với bệnh nhân suy tim trái, nhưng lại không thực sự phù hợp đối với các bệnh nhân suy tim phải.
Phân độ suy tim theo Hội Nội khoa Việt Nam
Ở Việt Nam, tỷ lệ các bệnh nhân suy tim phải thường chiếm cao hơn trong số các bệnh nhân bị suy tim. Vì vậy, Hội Nội khoa Việt Nam khuyến cáo các mức độ suy tim như sau:
Độ I: Bệnh nhân có khó thở nhẹ, nhưng gan chưa sờ thấy.
Độ II: Bệnh nhân có khó thở vừa, gan to dưới bờ sườn vài cm.
Độ III: Khó thở nhiều, gan to gần sát rốn, khi được điều trị thì gan có thể nhỏ lại.
Độ IV: Khó thở nhiều và thường xuyên, gan to nhiều mặc dù đã được điều trị.
Phân giai đoạn suy tim theo Hội tim mạch Hoa Kỳ và Trưởng môn tim mạch Hoa Kỳ (AHA/ACC – 2008)
Phân giai đoạn suy tim theo Hội tim mạch Hoa Kỳ và Trưởng môn tim mạch Hoa Kỳ
Giai đoạn A: Bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ cao của suy tim nhưng chưa chắc có các bệnh lý tổn thương cấu trúc tim. Ví dụ các bệnh có thể gây suy tim như: Tăng huyết áp, bệnh mạch vành, tiểu đường, tiền căn gia đình, sử dụng thuốc độc cho tim, thừa cân - béo phì, rối loạn chuyển hóa.
Giai đoạn B: Bệnh nhân có các bệnh lý ảnh hưởng tới cấu trúc tim nhưng chưa có triệu chứng và biểu hiện của suy tim. Ví dụ: Bệnh nhân có tiền căn nhồi máu cơ tim, bị thiếu máu cục bộ cơ tim; rối loạn chức năng tâm thu thất trái; bệnh van tim nhưng chưa có triệu chứng suy tim.
Giai đoạn C: Bệnh nhân đã có triệu chứng của suy tim hoặc đang có triệu chứng và có liên quan bệnh gây tổn thương cấu trúc tim. Ví dụ: Bệnh nhân có biểu hiện của suy tim: khó thở, mệt, giảm khả năng gắng sức…
Giai đoạn D: Bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối, suy tim kháng trị và cần các biện pháp điều trị đặc biệt như máy trợ tim, ghép tim. Ví dụ: Bệnh nhân có các triệu chứng suy tim rất nặng khi nghỉ ngơi, mặc dù đã được điều trị nội khoa tối ưu.
Phân độ suy tim mạn theo Trần Đỗ Trinh
Suy tim độ 1: Khó thở khi gắng sức, ho ra máu, không phù, gan không to.
Suy tim độ 2: Khó thở khi đi lại, khi đi phải ngừng lại để thở, phù nhẹ, gan chưa to hoặc to ít chỉ dưới 2cm dưới bờ sườn. Phản hồi gan tĩnh mạch cổ (+) ở tư thế 45 độ.
Suy tim độ 3: Khó thở nặng hơn, phù toàn thân, gan to > 3cm dưới sườn, mềm, phản hồi gan tĩnh mạch cổ (+) ở tư thế 45 độ, điều trị gan nhỏ lại hoàn toàn.
Suy tim độ 4: Khó thở thường xuyên, bệnh nhân phải ngồi dậy để thở, gan to > 3cm dưới bờ sườn, mật độ chắc, bờ sắc, điều trị không đáp ứng hoặc nhỏ lại ít.
Suy tim là một tình trạng bệnh lý khá phố biến hiện nay. Tùy từng nguyên nhân và mức độ bệnh lý mà có hướng điều trị thích hợp. Những tiến bộ về khoa học không ngừng cho phép chúng ta ngày càng có những biện pháp tốt trong chẩn đoán và điều trị, giúp cải thiện đáng kể tiên lượng và chất lượng của sống cho bệnh nhân suy tim.
Khi có vấn đề về bệnh tim mạch, vui lòng liên hệ theo số điện thoại: 0932319099 để được bác sĩ tim mạch tư vấn và có hướng điều trị tích cực nhất.
Nguồn: https://bacsitimmach.com.vn/