Những hiểu biết cơ bản về suy tim phải bạn nên biết (Nguồn ảnh: internet)
Dấu hiệu nhận biết suy tim phải
Có hai triệu chứng chính của bệnh suy tim phải là khó thở và xanh tím.
Bệnh nhân bị khó thở có thể ít hoặc nhiều nhưng khó thở thường xuyên, ngày một nặng dần và không có cơn khó thở kịch phát như trong bệnh suy tim trái. Nhất là khi bệnh nhân có các bệnh lý về đường hô hấp gây suy tim phải.
Tình trạng tím da và niêm mạc diễn ra là do lượng hemoglobin khử tăng lên trong máu; tùy mức độ suy tim mà tím nhiều hay ít; nhẹ thì chỉ thấy tím ở môi, đầu chi; nặng thì có thể tím toàn thân.
Ngoài ra, bệnh nhân còn hay có cảm giac đau tức vùng hạ sườn phải (nguyên nhân thường do gan to và đau);
Cảm giác phù, phù mềm, lúc đầu khu trú ở 2 chân, sau nặng có thể phù toàn thân, thậm chí là tràn dịch các màng
Bệnh nhân thường đái ít (khoảng 200-500ml/ngày),nước tiểu sẫm màu;
Mệt mỏi, uể oải, chóng mặt, tim đập nhanh, huyết áp tăng;…
Các xét nghiệm cần làm để hỗ trợ chẩn đoán suy tim phải
Xét nghiệm máu
Các xét nghiệm máu cơ bản giúp đánh giá tình trạng chung của bệnh nhân và các rối loạn, bệnh lý liên quan như thiếu máu, rối loạn lipid máu, đái tháo đường,…
Các xét nghiệm máu cơ bản theo dõi quá trình hỗ trợ điều trị: điện giải đồ, chức năng gan thận,…
X-quang
Trên phim chụp tim phổi thẳng: Cung động mạch phổi giãn, Phổi mờ nhiều do ứ máu ở phổi,…
Trên phim chụp nghiêng trái: Thất phải to làm cho khoảng sáng sau xương ức bị hẹp lại.
Điện tâm đồ:
Thường thấy các dấu hiệu của trục phải, dày nhĩ phải, dày thất phải.
Siêu âm tim
Là một thăm dò quan trọng. Siêu âm tim thường cho thấy kích thước thất phải giãn to. Trong nhiều trường hợp có thể thấy các dấu hiệu của tăng áp động mạch phổi.
Thăm dò huyết động
Có thể thấy áp lực cuối tâm trương của thất phải tăng (thường là trên 12mmHg); áp lực động mạch phổi cũng thường tăng.
Các nguyên nhân gây suy tim phải
Các nguyên nhân về phổi và dị dạng lồng ngực, cột sống
Các bệnh phổi mạn tính: Hen phế quản, viêm phế quản mạn, giãn phế nang, giãn phế quảng, xơ phổi, bệnh bụi phổi,… dần dần đưa đến bệnh cảnh tâm phế mạn.
Nhồi máu phổi gây ra bệnh cảnh tâm phế cấp
Tăng áp lực động mạch phổi tiên phát
Các nguyên nhân là bệnh lý tim mạch.
Hẹp van 2 lá là nguyên nhân thường gặp nhất ở các nước đang phát triển.
Một số bệnh tim bẩm sinh: hẹp động mạch phổi, tam chứng Fallot;
Viêm nội tâm mạch nhiễm khuẩn gây tổn thương nặng ở van ba lá;
Một số nguyên nhân ít gặp: u nhầy nhĩ trái, vỡ túi phình xoang Valsalva vào các buồng tim bên phải, tăng áp lực động mạch phổi tiên phát,…v.v…
Suy tim trái lâu ngày: suy tim trái lâu ngày sẽ dẫn đến suy tim phải, đây là một nguyên nhân khá thường gặp.
Các phương pháp điều trị suy tim phải
Xử trí không dùng thuốc:
Chế độ nghỉ ngơi: bệnh nhân suy tim vẫn được khuyến khích tập luyện thể lực nhưng không quá gắng sức.
Chế độ ăn giảm muối, tùy từng trường hợp cụ thể mà áp dụng chế độ ăn giảm muối hoặc chế độ ăn gần như nhạt hoàn toàn.
Tránh các lo âu, căng thẳng, cảm xúc mạnh, kéo dài.
Giảm cân nặng ở những bệnh nhân béo phì.
Bỏ thuốc lá, rượu bia, cà phê,…
Xử trí dùng thuốc:
Dùng thuốc là phương thức bắt buộc đối với phần lớn bệnh nhân bởi các thuốc này giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân, giúp tăng khả năng gắng sức, giảm nhập viện và kéo dài cuộc sống.
Các phương pháp điều trị đặc biệt khác:
Tái đồng bộ cơ tim bằng máy tạo nhịp tim hai buồng: là phương pháp đặt điện cực vào buồng tim phải và xoang vành tim giúp tim kích thích đồng bộ, có tác dụng giảm triệu chứng, cải thiện chức năng tim và giảm tỉ lệ tử vong.
Cấy máy tạo nhịp-khử rung: là phương pháp được áp dụng cho những bệnh nhân có loạn nhịp và người có nguy cơ đột tử cao.
Thay (ghép) tim: là biện pháp hữu hiệu cuối cùng cho những bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối, đã kháng lại với tất cả các biện pháp điều trị nội, ngoại khoa thông thường.
Những lưu ý khi người bệnh đang điều trị suy tim phải
Tuân thủ các phương pháp điều trị suy tim phải do bác sĩ chỉ định. Không tự ý sử dụng thuốc hoặc bỏ điều trị khi cảm thấy người khỏe hơn mà chưa có sự đống ý của bác sĩ.
Trong thời gian điều trị nếu bệnh nhân cảm thấy các triệu chứng của suy tim phải nặng lên thì cần tới gặp bác sĩ điều trị ngay mà không chờ đến khi hết thuốc.
Thường xuyên theo dõi cân nặng, huyết áp, theo dõi lượng nước tiểu hằng ngày để báo bác sĩ điều chỉnh thuốc.
Bất kể bạn điều trị suy tim phải như thế nào cũng cần phải tuân thủ tất cả các khuyến cáo của bác sĩ trong điều trị cũng như chế độ ăn, luyện tập và lối sống để bạn có được chất lượng cuộc sống tốt nhất có thể.
Khi có vấn đề gì bất thường liên quan đến bệnh tim mạch, bạn vui lòng liên hệ theo số điện thoại 0932319099 để được bác sĩ tim mạch tư vấn cụ thể. Xin cảm ơn!
Nguồn: bacsitimmach.com.vn.