Skip to content

Tổng quan về bệnh suy tim

Bác Sĩ Tim Mạch 13.07.20172374 lượt xem
Suy tim là một tình trạng bệnh lý rất thường gặp, là hậu quả cuối cùng của phần lớn các bệnh lý Tim mạch như Tăng huyết áp, bệnh van tim, bệnh cơ tim, bệnh động mạch vành, bệnh tim bẩm sinh. Theo tổ  chức Y tế Thế giới WHO ước tính có khoảng 5 triệu người mới mắc suy tim hàng năm trên toàn thế giới.

Suy tim là gì?

Suy tim là trạng thái bệnh lý, với sự bất thường về chức năng, tim không đủ khả năng bơm để cung cấp máu đảm bảo cho các nhu cầu hoạt động của cơ thể về mặt oxy. Suy tim thường là do sự suy giảm chức năng cơ tim, cũng có thể có trường hợp chức năng cơ tim gần như bình thường nhưng không đáp ứng được với tình huống nhu cầu tăng cao của cơ thể.

Tại Việt Nam, chúng ta chưa có thống kê trong cộng đồng, nhưng theo thống kê trong bệnh viện, có tới trên 60% bệnh nhân nội trú trong các khoa tim mạch bị suy tim các mức độ khác nhau.

Sinh lý bệnh suy tim

Khi tim hoặc hệ tuần hoàn bị một bệnh lý gì đó làm ảnh hưởng đến chức năng bóp tống máu của tim để đáp ứng nhu cầu ô xy của cơ thể và đại diện là sự giảm cung lượng tim.

Các yếu tố ảnh hưởng tới cung lượng tim

Cung lượng tim phụ thuốc vào bốn yếu tố chính: Tiền gánh, hậu gánh, sức co bóp của cơ tim và tần số tim

Tiền gánh

Là yếu tố quyết định mức độ kéo dài sợi cơ tim trong thời kỳ tâm trương, trước lúc tâm thất co bóp.

Sức co bóp của cơ tim

Khi áp lực hoặc thể tích cuối tâm trương trong tâm thất tăng, thì sẽ làm tăng sức co bóp của cơ tim và thể tích nhát bóp sẽ tăng lên

Hậu gánh

Là sức cản của các động mạch đối với sự co bóp của tâm thất. Sức cản càng cao thì sự co bóp của tâm thất càng lớn để thắng lại.

Tần số tim

Trong suy tim, lúc đầu nhịp tim tăng lên, sẽ có tác dụng bù trừ tốt. Nếu nhịp tim tăng quá nhiều, thời gian tâm trương ngắn lại làm thể tích cuối tâm trương giảm. Nhịp tim nhanh làm nhu cầu oxy của cơ tim tăng lên, công của cơ tim tăng lên và hậu quả là tim càng bị suy yếu nhanh.

Cơ chế bù trừ

Tại tim

Giãn tâm thất: Là cơ chế thích ứng đầu tiên để tránh quá tăng áp lực cuối tâm trương của tâm thất.

Phì đại tâm thất: Tim thích ứng bằng cách tăng bề dày các thành cơ tim có/không kèm theo giãn buồng tim.

Sự thoái hóa và chết tế bào cơ tim theo chương trình

Khi bị suy tim, các tế bào cơ tim có xu hướng kết thúc vòng đời sớm hơn và có sự tái cấu trúc cơ tim theo xu hướng xấu.

Hoạt hóa hệ thần kinh thể dịch

Hai hệ thần kinh thể dịch chính được kích hoạt trong suy tim là hệ renin-angiotensin-aldosterone và hệ thần kinh giao cảm.

Các nguyên nhân gây ra bệnh suy tim

Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh suy tim, sau đây là một số nguyên nhân chính thường gặp gây ra suy tim

Tăng huyết áp

Tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ gây suy tim có thể thay đổi được quan trọng nhất. Những người bệnh bị tăng huyết áp có nguy cơ mắc suy tim cao hơn rất nhiều so với những người có huyết áp bình thường. Tăng huyết áp làm cản trở sự tống máu của thất trái tức là làm tăng hậu gánh.

Bệnh động mạch vành

Những bệnh nhân mắc nhồi máu cơ tim, xơ vữa động mạch có nguy cơ cao bị suy tim, cần được kiểm soát chặt chẽ.

Bệnh van tim

Bệnh van tim (hẹp, hở hay hở van tim) là nguyên nhân gây suy tim quan trọng ở các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam. Bệnh van tim được cho là nguyên nhân chính gây suy tim của khoảng 10% bệnh nhân trong nghiên cứu Bromley được tiến hành tại Vương quốc Anh những năm cuối 1990.

Các tổn thương cơ tim

Viêm cơ tim do thấp tim, nhiễm độc hay nhiễm khuẩn; các bệnh cơ tim đều là những nguyên nhân gây suy tim

Một số rối loạn nhịp tim:

Rối loạn nhịp tim có thể là nguyên nhân gây nặng bệnh hoặc có thể dẫn đến suy tim trái. Các rối loạn nhịp thường gặp là: Cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất, nhất là cơn rung nhĩ hay cơn cuồng động nhĩ; cơn nhịp nhanh thất, block nhĩ - thất hoàn toàn.

Một số bệnh tim bẩm sinh

Hẹp eo động mạch chủ; còn ống đọng mạch, ống nhĩ - thất chung,... đều có thể gây suy tim. Có khoảng 1 triệu người ở Hoa kỳ và 1,2 triệu người ở châu Âu mắc bệnh tim bẩm sinh ở người lớn. Những bệnh nhân này có tỷ lệ nhập viện cao gấp hai lần những người bình thường.

Các bệnh lý về phổi và dị dạng lồng ngực, cột sống

Nhồi máu phổi, tăng áp động mạch phổi, gù vẹo cột sống đều là những bệnh lý có thể gây ra suy tim phải.

Triệu chứng của bệnh suy tim

Khó thở

Khó thở, thở ngắn và mệt là những triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân suy tim. Bệnh nhân bị suy tim tăng nặng thường có khó thở khi gắng sức. Tuy nhiên, một số trường hợp bệnh nhân không có khó thở làm hạn chế gắng sức vì cơ thể bệnh nhân đã thích nghi với triệu chứng bằng cách thay đổi sinh hoạt của mình. Điển hình là bệnh nhân thường thức dậy tại một thời điểm vào ban đêm do cảm giác thiếu không khí, ngạt thở hoặc như chết đuối làm bệnh nhân phải ngồi dậy để thở trong khoảng 15-30 phút. Cần phân biệt với triệu chứng thức dậy ban đêm do những nguyên nhân khác, hay gặp là lo lắng, mất ngủ, đau cơ, đi tiểu, đặc biệt ở bệnh nhân sử dụng thuốc lợi tiểu.

Một số triệu chứng khác

Ho: có thể xảy ra vào ban đêm hoặc khi gắng sức, thường ho khan

Cảm giác đau ngực, nặng ngực, đánh trống ngực

Các triệu chứng thần kinh: chóng mặt, giảm trí nhớ, đau đầu, mất ngủ,...

Phù ngoại vi (mắt cá, vùng cùng cụt)

Gan to, Tĩnh mạch cổ nổi

Xét nghiệm chẩn đoán

Xét nghiệm máu

Đánh giá tình trạng chung của bệnh nhân và các rối loạn, bệnh lý liên quan như thiếu máu, rối loạn lipid máu, đái tháo đường,...

Xét nghiệm BNP là xét  nghiệm ngày càng được coi trọng và có nhiều ứng dụng giúp sàng lọc bệnh nhân sớm; chẩn đoán loại trừ nguyên nhân khó thở cấp, theo dõi điều trị suy tim, giúp tiên lượng bệnh…

X-quang ngực

Mặc dù dựa vào siêu âm tim để xác định kích thước và chức năng của các buồng tim và dựa vào dấu ấn sinh học để phân biết suy tim với các nguyên nhân khác gây khó thở nhưng Xquang ngực vẫn có vai trò quan trọng trong đánh giá bệnh nhân có các dấu hiệu và triệu chứng suy tim hoặc có thể phát hiện những nguyên nhân khác gây ra triệu chứng bệnh.

Hình ảnh trên phim X-quang ngực có thể thấy tim to ra, tâm thất giãn, có thể bắt gặp đường Kerley B,...

Điện tâm đồ

Điện tâm đồ cho biết nhịp tim và dẫn truyền điện học, giúp chẩn đoán nguyên nhân nếu có (ví dụ: nhồi máu cơ tim)

Siêu âm tim

Hình ảnh siêu âm tim

Hình ảnh siêu âm tim

Là một thăm dò quan trọng. Cho biết sự co bóp của các thành tim, giúp đánh giá được chức năng tâm thu thất trái dựa trên sức co bóp cơ tim, phân số tống máu (EF). Trong nhiều trường hợp có thể thấy dấu hiệu của tăng áp động mạch phổi. Đôi khi sẽ giúp tìm ra nguyên nhân gây suy tim.

Một số phương pháp khác

Thăm dò huyết động

Chụp cộng hưởng từ chức năng tim (MRI)

Chụp cắt lớp vi tính đa dãy (MSCT)

Phóng xạ đồ tưới máu cơ tim (SPECT)

Chẩn đoán xác định suy tim

Trong thực tế, có hai hệ thống tiêu chuẩn được ứng dụng rộng rãi để chẩn đoán suy tim là: tiêu chuẩn Framingham và tiêu chuẩn của Hội tim mạch châu  Âu (ESC)

Điều trị suy tim

Mục tiêu điều trị

Mục tiêu điều trị ở những bệnh nhân suy tim đã được xác định là để làm giảm triệu chứng và các dấu hiệu, ngăn ngừa nhập viện, gia tăng khả năng gắng sức và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Trước năm 1990, kỷ nguyên hiện đại trong điều trị suy tim, 60-70% bệnh nhân suy tim chết trong vòng 5 năm sau khi được chẩn đoán. Bệnh nhân thường xuyên phải nhập viện vì triệu chứng tăng nặng. Điều trị hiệu quả đã giúp cải thiện cả hai hậu quả này, với giảm tương đối 30-50% tỷ lệ nhập viện trong những năm gần đây và giảm ít hơn nhưng đáng kể tỷ lệ tử vong.

Điều trị suy tim theo từng giai đoạn

Vào năm 2001, Hiệp hội Tim Hoa Kỳ (AHA) và Trường Đại học Tim mạch Hoa Kỳ (ACC) đã đưa ra tiểu chuẩn về các giai đoạn của suy tim. Tùy từng giai đoạn mà có phương pháp điều trị khác nhau

Giai đoạn A

Phát hiện và điều trị tăng huyết áp

Điều trị rối loạn lipid máu và nguy cơ mạch máu

Béo phì và đái tháo đường

Thừa cân và béo phì làm tăng nguy cơ bị suy tim. Liên quan giữa béo phì và suy tim được giải thích bởi các yếu tố nguy cơ tim mạch ở những người có chỉ số khối cơ thể (BMI) cao

Tương tự, đề kháng insulin, có hoặc không bị đái tháo đường cũng là yếu tố nguy cơ quan trọng phát triển suy tim. Đái tháo đường là yếu tố nguy cơ quan trọng đối với phụ nữ, làm tăng gấp 3 lần nguy cơ bị suy tim.

Phát hiện và kiểm soát các tình trạng khác có thể dẫn đến suy tim

Bỏ thuốc lá, bỏ rượu bia, ngưng các loại thuốc gây độc cho tim

Tập thể dục đều đặn

Giai đoạn B

Nhìn chung, tất cả các khuyến cáo cho bệnh nhân giai đoạn A cũng được áp dụng cho giai đoạn B, đặc biệt là việc kiểm soát huyết áp và mỡ máu. Bệnh động mạch vành là yếu tố nguy cơ chính phát triển suy tim.

Giai đoạn C

Các thuốc được sử dụng trong giai đoạn A và B đều được khuyến cáo sử dụng trong giai đoạn C nếu phù hợp.  Bệnh nhân cần hiểu cách theo dõi các triệu chứng và biến động cân nặng của họ, hạn chế ăn muối, uống thuốc theo đơn và giữ chế độ tập luyện thể lực phù hợp.

Nếu thích hợp, bệnh nhân có thể được dùng biện pháp đặt máy tạo nhịp 2 buồng (2 buồng thất) hoặc có thể sử dụng máy khử rung (ICD).

Giai đoạn D

Bệnh nhân bị suy tim tâm thu và kèm theo các triệu chứng đang diễn tiến nặng cần phải chăm sóc tăng cường.

Các phương pháp điều trị ở giai đoạn A, B và C nếu thích hợp

Bệnh nhân được xem xét để được chọn lựa phương pháp điều trị thích hợp như: ghép tim, thiết bị hổ trợ tâm thất, phẩu thuật, truyền tĩnh mạch liên tục thuốc tăng cường sức co bóp của cơ tim và chăm sóc.

Suy tim là một bệnh mãn tính, tiến triển theo thời gian và sẽ nặng dần lên nếu bạn không được điều trị đúng cách. Bạn có nguy cơ cao mắc suy tim nếu bị hẹp, hở van tim, cao huyết áp, thiểu năng vành… hãy dành 2 phút trao đổi trực tiếp với Bác Sĩ Tim Mạch về vấn đề sức khỏe của bạn theo số máy 0932319099/0963682696 để được tư vấn sử dụng chế phẩm từ các vị thuốc quý trong thiên nhiên. Chế phẩm Nạp khí được bào chế từ Ngọc trúc và các thảo dược quý với tác dụng giúp cường tim, mạnh tâm khí, tan máu đông, hỗ trợ giảm nguy cơ giãn cơ tim đang được nhiều bệnh nhân, đặc biệt là những bệnh nhân cao tuổi sử dụng kết hợp với thuốc tây y điều trị suy tim mang lại hiệu quả tốt.

Biên tập bởi Bác sĩ tim mạch

@ Thông tin hữu ích: “ Hãy dành thêm 2 phút đọc kỹ về cây thuốc quý Dong riềng đỏ, để biết cách vượt qua bệnh thiếu máu cơ tim – xơ vữa mạch vành an toàn và hiệu quả”

Đánh giá bài viết
1 bầu chọn /trung bình: 5
Quảng cáo cuối bài tin