Skip to content

Cao huyết áp và những tác động cực kì nguy hiểm cần biết

Bác Sĩ Tim Mạch 21.09.20172370 lượt xem
Cao huyết áp hay bệnh tăng huyết áp được coi là “kẻ giết người thầm lặng”, là một trong những căn bệnh nguy hiểm và có nhiều tác động cực kì nguy hiểm. Tình trạng cao huyết áp không được kiểm soát càng lâu, hậu quả gây ra càng nghiêm trọng.

Khái quát về cao huyết áp

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO),cao huyết áp là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới. Đa phần các trường hợp, bệnh nhân mắc cao huyết áp không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào và người bệnh thường không biết họ bị tăng huyết áp. Bệnh diễn biến âm thầm cho đến khi người bệnh nhập viện mới biết mình bị bệnh.

Trong những năm gần đây, cao huyết áp ngày càng trở nên phổ biến do: sự gia tăng dân số, lão hóa và các nguy cơ liên quan đến hành vi như chế độ ăn uống không lành mạnh,ăn quá nhiều muối, thức ăn nhanh, lạm dụng rượu bia, thuốc lá, ít vận động thể lực, thừa cân, béo phì và thường xuyên căng thẳng trong cuộc sống,

Tăng huyết áp hay huyết áp cao làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, suy tim,.... Bệnh này còn dẫn đến nhiều căn bệnh mạn tính như suy thận hay nguy hiểm như đột quỵ…

Cao huyết áp gây hại cho tim

Cao huyết áp làm dày và hư hại niêm mạc các mạch máu của tim. Các mạch máu bị hư hỏng dễ hình thành của các cục máu đông, mảng xơ vữa từ đó ngăn cản việc cung cấp máu cho trái tim; từ đó làm giảm hiệu quả hoạt động của tim, gây tổn hại đến các mô của cơ tim dẫn đến cơn đau thắt ngực. Huyết áp tăng cũng làm quả tim phải hoạt động mạnh hơn, làm cơ tim dày lên nhất là tâm thất trái gây phì đại (phì đại tâm thất trái),đồng thời làm ảnh hưởng đến khả năng bơm máu của tim dễ dẫn đến to tim, suy tim. Cao huyết áp là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim (đột quỵ tim)...

Cao huyết áp làm ảnh hưởng tới mạch máu

Huyết áp tăng làm áp lực trong lòng mạch máu bị tăng lên, theo thời gian nó sẽ làm mạch máu mất tính đàn hồi và trở nên xơ cứng. Áp lực tăng liên tục làm động mạch bị giãn, lớp nội mạc bị nứt, vỡ gây nên chứng phình động mạch rất nguy hiểm. Phình động mạch chủ nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời có thể bị vỡ, gây chảy máu và dẫn đến tử vong.

Ảnh hưởng đến não

Cao huyết áp làm tăng nguy cơ đột quỵ não gấp 10 lần. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, huyết áp cao là nguyên nhân của 80% các cơn đau tim và đột quỵ. Tăng huyết áp làm suy yếu các mạch máu nhỏ trong não khiến chúng dễ bị vỡ. Khi các mạch máu não bị vỡ sẽ làm gián đoạn lưu lượng máu đến não, gây ra đột quỵ não dẫn đến liệt, suy giảm hoặc mất nhận thức, hôn mê, thậm chí là tử vong nếu không được cấp cứu và xử trí kịp thời. Cao huyết áp cũng làm ảnh hưởng tới dòng máu lưu thông lên não gây tình trạng thiếu máu não thoáng qua, hoa mắt, chóng mặt.

Cao huyết áp có thể gây suy thận

Cao huyết áp có thể gây suy thận

Cao huyết áp có thể gây suy thận

Thận cũng là cơ quan bị ảnh hưởng nếu bạn mắc cao huyết áp. Nguyên nhân là do các mạch máu trong thận bị tăng áp lực dẫn đến hư hại. Thận là một trong những bộ phận đóng vai trò giữ cho huyết áp của cơ thể được duy trì ổn định, nó điều tiết các chất dịch của cơ thể, muối... từ đó điều chỉnh huyết áp. Cao huyết áp gây hư hại các mạch máu trong thận làm thận giảm hoặc mất chức năng lọc, làm hẹp động mạch thận, từ đó gây suy thận.

Gây bệnh về mắt

Cao huyết áp còn gây ra các bệnh lý về mắt như các bệnh lý võng mạc, thậm chí gây mù. Vì khi huyết áp tăng căng, tất cả các mạch máu nuôi cơ thể đều bị ảnh hưởng, kể cả các mạch máu tới mắt. Tăng huyết áp là mắt của bạn bị khô và mờ.

Gây bệnh động mạch ngoại biên (chứng chuột rút)

Nếu huyết áp của bạn không được kiểm soát tốt,  điều trị cao huyết áp không liên tục có thể ảnh hưởng đến các mạch máu ở tứ chi của bạn. Các động mạch ngoại biên có thể bị thu hẹp và cứng lại dẫn đến một bệnh lý gọi là bệnh động mạch ngoại biên (PAD). PAD làm ảnh hưởng đến việc lưu thông máu ở chân và gây ra chứng chuột rút rất đau đớn.

Cao huyết áp ảnh hưởng đến thai kì

Phụ nữ bị huyết áp cao khi mang thai có thể làm giảm lưu lượng máu đến nhau thai nhi từ đó làm giảm nồng độ ôxy và chất dinh dưỡng cung cấp cho bào thai phát triển. Nguy hiểm nhất đối với người bệnh cao huyết áp khi mang thai là hội chứng tiền sản giật, có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trong cho cả mẹ và em bé khi sinh.

Cao huyết áp ảnh hưởng đến giấc ngủ

Cao huyết áp và giấc ngủ có mối liên quan với nhau. Theo một số nghiên cứu, người bệnh cao huyết áp có nhiều khả năng mắc chứng ngưng thở khi ngủ (OSA) hơn so với bình thường, đó là khi hơi thở ngắt quãng trong khi ngủ dẫn đến giấc ngủ bị gián đoạn, khiến người bệnh mệt mỏi vào sáng hôm sau. Chứng ngưng thở khi ngủ cũng góp phần làm tăng nặng bệnh huyết áp kể cả khi người bệnh dùng thuốc hạ huyết áp.

Cao huyết áp có thể gây mất xương

Huyết áp cao có thể gây ra các bất thường về chuyển hóa canxi. Khi huyết áp tăng sẽ làm tăng đào thải lượng canxi trong cơ thể, đặc biệt là ở phụ nữ lớn tuổi. Mất canxi kéo dài sẽ dẫn đến tình trạng mất xương hoặc gãy xương do loãng xương.

Cao huyết áp có thể gây rối loạn chức năng sinh dục

Tất cả các biến chứng của cao huyết áp chủ yếu xuất phát từ nguyên nhân thành mạch máu bị dày lên, dẫn đến giảm lưu lượng máu đến các bộ phận khác nhau của cơ thể. Các động mạch cấp máu tới dương vật cũng sẽ bị ảnh hưởng. Ở nam giới, Tăng huyết áp làm giảm nguồn cung máu đến dương vật gây ra rối loạn chức năng cương dương. Ở phụ nữ, huyết áp cao có thể làm giảm lưu lượng máu đến âm đạo, làm khô âm đạo, giảm ham muốn tình dục.... Các thuốc điều trị cao huyết áp lại có những tác dụng phụ như giảm ham muốn ở phụ nữ và khả năng cương cứng ở nam giới. Đối với những trường hợp này, nhiều người bệnh có thể lựa chọn biện pháp giảm huyết áp nhờ thảo dược và thay đổi lối sống.

Cao huyết áp là một căn bệnh mạn tính, có thể gây tổn hại đến người bệnh trong nhiều năm mà không có biểu hiện; nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, nó sẽ để lại nhiều tác động cực kì nguy hiểm. Do đó, mỗi chúng ta, cần nâng cao nhận thức về bệnh cao huyết áp, phòng ngừa và điều trị tích cực để kiểm soát tốt huyết áp, sống vui khỏe có ích, tránh được những biến chứng nguy hiểm.

Theo Bác sĩ tim mạch

Chủ đề:
cao huyết áp
Đánh giá bài viết
1 bầu chọn /trung bình: 5
Quảng cáo cuối bài tin