Suy tìm là bệnh gì?
Suy tim là tình trạng cơ tim không còn đủ sức co bóp tống máu để đảm bảo cung cấp oxy theo nhu cầu của cơ thể nữa. Đây là biến chứng cuối cùng của nhiều bệnh về tim mạch và các bệnh toàn thân.
Suy tìm là bệnh gì? (Ảnh minh họa)
Suy tim thường là do sự suy giảm chức năng của cơ tim, tuy nhiên cũng có thể có những trường hợp chức năng cơ tim gần như bình thường nhưng không đáp ứng được những tình huống nhu cầu tăng cao của cơ thể. Tùy tình trạng của từng thể bệnh mà tim có thể bị suy một bên trước rồi dẫn đến suy tim toàn bộ hoặc suy tim toàn bộ ngay từ đầu.
Những nguyên nhân nào gây ra suy tim?
Theo nhiều nghiên cứu, có khoảng 40% bệnh nhân mắc suy tim mà không tìm ra được nguyên nhân cụ thể gây bệnh. Nhưng, đa số các trường hợp bệnh nhân suy tim do một hoặc nhiều nguyên nhân sau:
Tăng huyết áp không điều trị, làm quả tim phải làm việc quá sức trong một thơi gian dài.
Bệnh mạch vành gây thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim.
Bệnh van tim gây hở hoặc hẹp van tim, khi đó hoặc tim phải bóp nhiều hơn (do hở van tim) hoặc bóp mạnh hơn (do hẹp van tim),lâu ngày sẽ gây suy tim.
Bệnh tim bẩm sinh (hẹp động mạch phổi,...)
Bệnh cơ tim do rượu: uống quá nhiều rượu làm hoạt động co bóp của cơ tim bị yếu đi.
Viêm cơ tim nhất là viêm cơ tim do siêu vi trùng.
Do rối loạn nhịp tim nhanh kéo dài, mạn tính.
Suy tim cũng thường gặp ở bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường, mặc dù đái tháo đường không phải là nguyên nhân gây bệnh duy nhất.
Suy tim còn có thể gặp ở những bệnh nhân uống thuốc, sử dụng hoá chất để điều trị ung thư hoặc một số loại thuốc đặc biệt khác.
Cường giáp không điều trị, suy thận mạn tính cũng có thể gây ra suy tim.
Chăm sóc bệnh nhân suy tim như thế nào là đúng cách?
Suy tim có 4 mức độ, tùy từng giai đoạn của bệnh, từng bệnh nhân mà có kế hoạch chăm sóc khác nhau. Các bệnh nhân mắc suy tim cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để đưa ra những kế hoạch cụ thể với mục đích cải thiện chất lượng cuộc sống.
Chăm sóc bệnh nhân suy tim như thế nào là đúng cách? (Ảnh minh họa)
Người bệnh cần tuân thủ chặt chẽ những chỉ định điều trị của bác sĩ và tái khám đều đặn. Hàng ngày, bệnh nhân cần vận động nhẹ nhàng các chi để phòng biến chứng tắc mạch, hạn chế các hoạt động gắng sức. Nếu có cơn khó thở kịch phát về đêm thì người bệnh nên ngủ ở tư thế nửa nằm nửa ngồi. Bên cạnh đó, bệnh nhân cần có một chế độ dinh dưỡng phù hợp để không làm tăng gánh nặng cho tim.
Một số nguyên tắc xây dựng thực đơn cho bệnh nhân suy tim như sau:
Quan trọng là giảm lượng muối và nước.
Nước: Số lượng nước uống ngoài bữa ăn = số lượng nước tiểu 24h + 300ml.
Muối: Chế độ ăn giảm muối là cần thiết, vì muối làm tăng áp lực thẩm thấu trong máu, do đó làm tăng khối lượng tuần hoàn, từ đó gây tăng gánh nặng cho tim.
Đối với bệnh nhân suy tim độ 1-2: Dùng chế độ ăn nhạt vừa 2 - 3g muối/ngày. Năng lượng 1.400 - 1.500Kcal, protein: 0,8g/kg.
Đối với bệnh nhân suy tim độ 3: chế độ ăn nghiêm ngặt hơn bao gồm: lượng muối 1 - 2g; protein: 40g; năng lượng 1.200 - 1.300Kcal.
Đối với bệnh nhân suy tim độ 4: Giá trị dinh dưỡng của thực đơn: năng lượng 1.025Kcal; protein: 26,7g; muối: 0,8g và thường cho ăn cơm, cháo đường (gạo tẻ 20g),sữa đậu nành (100ml).
Bệnh nhân suy tim nên ăn các loại thực phẩm như sữa, rau quả, khoai, ngô… vì chúng chứa ít muối lại có nhiều kali, nhiều yếu tố kiềm và có ít protein; mặt khác, chúng có nhiều đường giúp chuyển hóa tốt, ít năng lượng để bộ máy tiêu hóa được nghỉ ngơi...; nên ăn nhiều bữa nhỏ và chọn những loại thức ăn dễ tiêu hóa.
Người bệnh cần tránh dùng các loại thực phẩm sinh hơi và các loại thức ăn lên men vì các loại thực phẩm này khi đưa vào cơ thể sẽ khiên dạ dày- ruột sinh hơi, đẩy cơ hoành lên, làm ảnh hưởng đến tim. Hạn chế các thức ăn làm ức chế thần kinh như chè, cà phê, rượu, các loại gia vị. Trước và sau khi ăn, người bệnh cần có thời gian nghỉ ngơi.
Bên cạnh một chế độ dinh dưỡng hợp lý, các bệnh nhân suy tim cũng cần theo dõi cân nặng thường xuyên, có một chế độ tập luyện thể dục và thời gian nghỉ ngơi hợp lý để nâng cao sức đề kháng của cơ thể.
Hiện nay, tỉ lệ bệnh nhân mắc suy tim ngày càng gia tăng. Bên cạnh việc điều trị theo đúng phác đồ, các bệnh nhân suy tim cần được chăm sóc một cách hợp lý nhất nhằm cải thiện và duy trì sức khỏe. Biết chăm sóc bệnh nhân suy tim đúng cách sẽ góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh một cách tích cực.
Nguồn: Bác sĩ tim mạch.