Skip to content

Tư vấn: Rung nhĩ có nguy hiểm không?

Bác Sĩ Tim Mạch 10.11.20154005 lượt xem
Tôi hay thấy hồi hộp trống ngực, đi khám được phát hiện bệnh rung nhĩ, như vậy có nguy hiểm không  và tôi phải làm gì?

Trả lời:

Bản thân rung nhĩ ít khi nguy hiểm chết người nhưng nó có thể dẫn tới một số biến chứng nặng nề. Các triệu chứng thường gặp của rung nhĩ gồm cảm giác hồi hộp, trống ngực, mệt mỏi, khó thở do suy tim, và nguy hiểm nhất là đột quỵ (méo miệng, liệt nửa người, có thể hôn mê và tử vong). Vì thế, nếu bạn đã được chẩn đoán là rung nhĩ, bạn cần phải tới bác sĩ để được khám và hỗ trợ điều trị ngay.

Nguyên nhân gây rung nhĩ

Trước hết, cần xác định xem rung nhĩ này do nguyên nhân gì, và sẽ tiến hành hỗ trợ điều trị theo nguyên nhân. Ở Việt Nam, một tỉ lệ cao bệnh nhân gặp rung nhĩ do bệnh lý van tim do thấp (hẹp hai lá),nguyên nhân thứ 2 hay gặp là rung nhĩ do cường giáp, basedow. Bạn cần làm xét nghiệm hormon tuyến giáp để xem mình có bị cường giáp hay basedow không. Một nguyên nhân rung nhĩ nữa là cao huyết áp lâu ngày, bệnh suy tim người già, hoặc một số rối loạn chuyển hóa khác. Nếu bạn không mắc bệnh nào trong số những bệnh trên mà chỉ có rung nhĩ đơn thuần được gọi là rung nhĩ vô căn.

Rung nhĩ có nguy hiểm không

Hình ảnh rung nhĩ

Cần làm gì khi bị rung nhĩ

Trong mọi trường hợp rung nhĩ, bạn cần phải uống thuốc đều đặn theo đơn của bác sĩ. Khi bị rung nhĩ, bạn có nguy cơ cao hình thành cục máu đông trong buồng tim, điều này sẽ dẫn đến những nguy cơ tắc mạch não, mạch chi dẫn đến liệt nửa người, hoặc tàn phế. Uống thuốc đều đặn theo đơn của bác sĩ là biện pháp tốt nhất để phòng ngừa các biến chứng này.

Bạn cũng nên lựa chọn một lối sống có lợi cho sức khoẻ. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ của bạn về làm thế nào để có một chế độ ăn khoa học, chọn một môn thể thao mà bạn yêu thích và vận động thể lực phù hợp, đều đặn.

Bạn có thể cảm thấy gia đình, bạn bè và đồng nghiệp không hiểu bạn bởi những triệu chứng của bệnh rung nhĩ thường rất kín đáo và khó để có thể cho mọi người thấy. Bạn có thể cảm thấy mệt mỏi khi sinh hoạt bình thường, khi di du lịch hay khó tham gia vào các hoạt động mà bạn yêu thích. Bác sĩ của bạn sẽ giúp bạn có kế hoạch hỗ trợ điều trị để kiểm soát tình trạng rung nhĩ. Điều này sẽ giúp bạn tiếp tục cuộc sống bình thường. Bạn nên cho gia đình và người thân biết về tình trạng bệnh của mình, có kế hoạch hỗ trợ điều trị và thay đổi lối sống cho phù hợp. Như vậy, những người thân và gia đình bạn không những sẽ hiểu mà còn cổ vũ và động viên bạn để tìm cách chung sống với rung nhĩ.

Tham khảo hội tim mạch Việt Nam

Đánh giá bài viết
1 bầu chọn /trung bình: 5
Quảng cáo cuối bài tin