Skip to content

Tăng huyết áp - căn bệnh phổ biến nhưng không phải rào cản

Bác Sĩ Tim Mạch 27.12.2018716 lượt xem
Tăng huyết áp là bệnh lý tim mạch ngày càng trở nên phổ biến, để lại nhiều biến chứng nặng nề, thậm chí là đột tử nếu không điều trị đúng cách. Với sự phát triển của nền Y học hiện nay, tăng huyết áp không phải là rào cản cuộc sống nếu chúng ta ý thức được về nó.

Tăng huyết áp là bệnh gì?

Tăng huyết áp, cách gọi khác là cao huyết áp hay tăng xông, là tình trạng máu lưu thông dưới một áp suất tăng cao trong một thời gian dài. Các cơ quan, bộ phận trong cơ thể được cung cấp máu bởi trái tim của chúng ta qua hệ thống các động mạch và tĩnh mạch. Huyết áp được tạo ra bởi lực của dòng máu tác động vào thành trong của mạch máu khi máu được bơm đi khắp cơ thể.

Đơn vị đo huyết áp được tính bằng mi-li-mét thủy ngân (mm Hg). Huyết áp được xác định bằng hai chỉ số đo, viết dưới dạng tỷ số là huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương. Huyết áp tâm thu là chỉ số thứ nhất (chỉ số trên),được xác định khi tim co bóp, là huyết áp lúc cao nhất (hay huyết áp tối đa) trong mạch máu. Huyết áp tâm trương là chỉ số thứ hai (chỉ số dưới),được xác định khi cơ tim nghỉ, là huyết áp lúc thấp nhất (hay huyết áp tối thiểu) trong lòng mạch máu, xảy ra giữa các lần tim co bóp.

Theo Hội Tim mach học Việt Nam, tăng huyết áp được định nghĩa là khi huyết áp tâm thu (huyết áp tối đa) ≥ 140 mmHg và /hoặc HA tâm trương ≥ 90 mmHg.

kham-benh-tang-huyet-ap

Khám bệnh tăng huyết áp

Tăng huyết áp là căn bệnh phổ biến

Tăng huyết áp là một bệnh lý phổ biến, thường gặp trong xã hội hiện nay, ngày càng có xu hướng trẻ hóa và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu mỗi năm và cũng là nguyên nhân dẫn tới suy tim, đột quỵ não, đột quỵ tim; là nguyên nhân thứ hai gây nhồi máu cơ tim cấp.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO),tăng huyết áp là gánh nặng bệnh tật toàn cầu. Hiện nay, có khoảng 1 tỷ người trên thế giới mắc tăng huyết áp. Trung bình cứ 10 người lớn thì có 4 người bị tăng huyết áp. Mỗi năm có khoảng 17,5 triệu người tử vong do các bệnh tim mạch trên thế giới, nhiều hơn gấp 4 lần tổng số người chết do 3 bệnh lý HIV/AIDS, sốt rét và lao phổi cộng lại. Trong đó, số người tử vong vì tăng huyết áp và biến chứng của tăng huyết áp lên tới 7 triệu người.

Theo điều tra của Viện Tim mạch Việt Nam vào năm 2016, tỷ lệ người lớn từ 25 tuổi trở lên bị tăng huyết áp đang ở mức báo động đỏ với con số lên tới 47%. Ước tính trung bình là cứ 5 người trưởng thành thì có 1 người bị tăng huyết áp. Trong số những người bị tăng huyết áp thì có tới 39,1% là không biết mình có bị tăng huyết áp; 7,2% những người đã biết bị tăng huyết áp nhưng vẫn không điều trị.

Tăng huyết áp là nguyên nhân chủ yếu gây ra nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, suy tim, suy thận… khiến cho hàng trăm nghìn người bị tàn phế, suy giảm hoặc mất sức lao động mỗi năm. Một điều khiến chúng ta thực sự phải quan tâm đó chính là người bị tăng huyết áp thường không có biểu hiện triệu chứng, thậm chí không biết mình bị bệnh cho tới khi gặp những biến chứng nặng nề.

Đừng để tăng huyết áp trở thành gánh nặng cuộc sống

Với những con số đang ở mức báo động nguy hiểm ở trên, chúng ta cần nhận thức được mức độ nguy hiểm của “kẻ giết người thầm lặng” mang tên Tăng huyết áp. Bệnh nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, đúng cách sẽ gây ra những biến chứng tim mạch trầm trọng, đồng thời việc điều trị cũng sẽ trở nên khó khăn, tốn kém hơn khi bệnh ở giai đoạn muộn; để lại những gánh nặng bệnh tật cho bản thân, gia đình và toàn xã hội. Theo các điều tra nghiên cứu, với mỗi mức huyết áp tâm thu tăng lên 20mmHg và huyết áp tâm trương tăng lên 10mmHg thì nguy cơ các biến cố tim mạch xảy ra cũng sẽ tăng lên gấp đôi. Trước những thách thức đó, bản thân những người bệnh tăng huyết áp nói riêng và toàn thể cộng đồng nói chung hãy cùng nhau phòng chống căn bệnh này và cũng đừng quá lo lắng, bởi mỗi người bệnh tăng huyết áp trên thế giới đều không phải đơn độc trong cuộc sống cũng như trong công cuộc điều trị bệnh của họ.

chua-tang-huyet-ap

Chữa tăng huyết áp

Đứng trước chẩn đoán Tăng huyết áp, đa phần người bệnh thường có 2 thái độ đón nhận là lo lắng quá mức và thờ ơ với bệnh. Cả 2 thái độ đó đều làm ảnh hưởng xấu tới sức khỏe và quá trình điều trị bệnh. Nếu lo lắng quá mức sẽ làm gia tăng mức độ stress, căng thẳng tâm lý, tác động không tốt tới huyết áp cũng như các hoạt động trong cuộc sống của người bệnh. Nếu quá thờ ơ với bệnh sẽ làm giảm sự tuân thủ điều trị, khiến bệnh ngày càng nặng hơn.

Chính vì thế, khi được chẩn đoán Tăng huyết áp, người bệnh cần nhận thức được:

  • Tăng huyết áp là căn bệnh thường gặp, có tới 95% là tăng huyết áp vô căn.
  • Đây là căn bệnh không lây nhiễm, không khỏi hoàn toàn nhưng có thể kiểm soát một cách tối ưu nhất.
  • Hoàn toàn có thể chung sống hòa thuận với bệnh này.
  • Tăng huyết áp chắc chắn không phải là rào cản để bạn hòa nhập với cộng động, không hề cản trở bạn thực hiện các công việc, dự định trong tương lai của mình.

Điều chỉnh để có một lối sống hợp lý là phương pháp phòng và trị bệnh đầu tiên: bỏ hút thuốc lá, hạn chế việc hút thuốc lá thụ động; thay đổi chế độ ăn với việc giảm muối, tăng cường ăn rau xanh, hoa quả; tăng cường rèn luyện thể lực mỗi ngày như đi bộ 30 – 45 phút, vận động thể lực nhẹ nhàng 4-5 ngày 1 tuần, học cách thư giản, giải tỏa những căng thẳng trong cuộc sống. Đây là việc tưởng chừng như đơn giản, nhưng không phải ai cũng thực hiện được. Vì những thói quen bất hợp lý đã tồn tại từ lâu, sự thay đổi không thể ngay lập tức, và nhiều người bệnh lại thiếu sự kiên trì.

cham-soc-tang-huyet-ap

Chăm sóc tăng huyết áp

Chia sẻ cùng những người thân yêu: Chính sự động viên và hỗ trợ từ gia đình, từ những người thân yêu là một nguồn động lực không thể thiếu trong cuộc sống. Khi bạn chia sẻ với họ, họ sẽ khuyến khích bạn chăm sóc bản thân, nhắc nhở bạn uống thuốc đúng giờ, giúp bạn cảm thấy vui vẻ, thoải mái, đưa bạn đi khám hoặc tham gia tập thể dục cùng bạn để giữ ổn định huyết áp.

Tuân thủ phác đồ điều trị, theo dõi thường xuyên và thăm khám sức khỏe định kỳ: Thường xuyên theo dõi huyết áp tại nhà, sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ điều trị và khám định kỳ để kiểm tra, tầm soát biến chứng tăng huyết áp là những việc không thể bỏ qua. Người bệnh cũng cần phải thực sự tỉnh tảo, không nghe những lời khuyên răn vô căn cứ, phản khoa học mà rước họa vào thân.

Chia sẻ, học tập kinh nghiệm kiểm soát huyết áp từ những người bệnh khác: Chúng ta hoàn toàn có thể tạo lập một cộng đồng những người bệnh Tăng huyết áp để chia sẻ những kinh nghiệm của mình trong việc kiểm soát bệnh, chung sống với bệnh một cách hòa thuận.

Mỗi người bệnh tăng huyết áp có thể thực hiện được những điều nói trên mà không hề khó, nhận thức được đúng đắn về căn bệnh tăng huyết áp để chúng không trở thành rào cản trong cuộc sống của chúng ta.

Biên tập bởi: Bác sĩ tim mạch

Đánh giá bài viết
1 bầu chọn /trung bình: 5
Quảng cáo cuối bài tin