Skip to content

Tăng huyết áp “Kẻ giết người thầm lặng”

Bác Sĩ Tim Mạch 20.12.2018720 lượt xem
Tăng huyết áp (THA) là bệnh lý rất thường gặp trong cộng đồng. Số lượng người mắc ngày càng tăng. Ước tính vào năm 2025, trên toàn thế giới có khoảng 1,56 tỷ người mắc tăng huyết áp.

Tăng huyết áp là nguy cơ hàng đầu của các biến chứng tim mạch và tử vong. Theo ghi nhận của tổ chức y tế thế giới (WHO),năm 2012 có 17,5 triệu người chết do tăng huyết áp và các biến chứng tim mạch của nó.

Tăng huyết áp tác động đến thành mạch máu gây xơ vữa, tổn thương thành mạch máu của toàn bộ cơ thể. THA là yếu tố nguy cơ quan trọng của bệnh lý động mạch vành và đột quỵ: tăng gấp 4 lần nguy cơ bị tai biến mạch máu não, tăng gấp 2 lần nguy cơ bị nhồi máu cơ tim  so với người không bị THA. Nguy cơ tử vong sẽ tăng gấp đôi khi số huyết áp tăng mỗi 20mmHg đối với huyết áp tâm thu (huyết áp tối đa) và tăng 10mmHg đối với huyết áp tâm trương (huyết áp tối thiểu).

theo-doi-huyet-ap
Theo dõi huyết áp

Tăng huyết áp nếu không được phát hiện và điều trị sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm ở nhiều cơ quan như:

  • Trên tim mạch: nhồi máu cơ tim, bệnh động mạch vành, suy tim…
  • Trên não: THA là nguyên nhân của 50% nhồi máu não, là yếu tố nguy cơ thúc đẩy xuất huyết não, bệnh não do THA…
  • Trên thận: đái ra protein, suy thận…
  • Trên mắt: tổn thương mạch võng mạc, thoái hóa có thể dẫn đến giảm thị lực, mù…
  • Trên mạch ngoại vi: nguy hiểm nhất có thể kể đến là biến chứng phình tách thành động mạch chủ với tỷ lệ tử vong cao.

90% người mắc bệnh tăng huyết áp không có triệu chứng cảnh báo: Mặc dù THA và các biến chứng của nó nguy hiểm như vậy nhưng phần lớn bệnh nhânbị THA lại không có dấu hiệu đặc biệt nào để phát hiện cho tới khi bị các biến chứng của THA gây khó chịu. Do vậy việc kiểm tra huyết áp thường xuyên, nhất là những người có nguy cơ cao là hết sức cần thiết và quan trọng. Tuy nhiên một số người ngay cả khi biết mình bị tăng huyết áp  thì lại chủ quan không nghĩ rằng THA là bệnh lý nghiêm trọng đến thế. Mặt khác việc điều trị THA cần phải có sự hợp tác và nỗ lực của bệnh nhân và thầy thuốc, đây là quá trình lâu dài, thường xuyên và liên tục cả đời, do vậy việc tuân thủ điều trị của bệnh nhân gặp nhiều thách thức như cản trở về phong tục, văn hóa, thay đổi lối sống, vấn đề khả năng chi trả...

Để kiểm soát huyết áp và phòng ngừa biến chứng của nó thì cần phải có nhận thức và hành động đúng.

  • Điều quan trọng đầu tiên là phải có lối sống và hành vi theo hướng tích cực với sức khỏe của mỗi người (biện pháp điều trị không dùng thuốc): thường xuyên tập thể dục, thể thao, giảm cân nặng nếu bị thừa cân, không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia, ăn giảm muối..
  • Kiểm tra huyết áp và khám sức khỏe định kỳ
  • Khi có tăng huyết áp thì phải tuân thủ điều trị thuốc để đưa huyết áp về bình thường, đồng thời thuốc cũng góp phần làm giảm các biến cố tim mạch.

Một số hướng dẫn cụ thể về các biện pháp điều trị không dùng thuốc trong tăng huyết áp:

  1. Hạn chế muối ăn dưới 2,4g hàng ngày
  2. Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày trong ít nhất 4 ngày/tuần sẽ giúp giảm 4mmHg huyết áp tâm thu và 3mmHg huyết áp tâm trương. Cần phải chọn môn thể dục thể thao phù hợp để cảm thấy hứng thú và luyện tập thường xuyên, nhất là những người có quỹ thời gian eo hẹp
  3. Hạn chế uống rượu, bia giúp giảm trung bình 3mmHg huyết áp tâm thu và 2mmHg huyết áp tâm trương. Khuyến cáo nam giới không uống quá 360ml bia hoặc 150ml rượu vang hoặc 45ml rượu  mỗi ngày; con số khuyến cáo đối với nữ giới là bằng 1 nửa khẩu phần của nam.

tang-huyet-ap-ke-giet-nguoi-tham-lang

Chữa tăng huyết áp không dùng thuốc

  1. Thay đổi chế độ ăn: ăn nhiều hoa quả, rau, chất xơ, chế phẩm sữa đã tách chất béo, thịt nạc, canxi, magie, kali. Hạn chế ăn chất béo bão hòa, cholesterol, muối: phủ tạng động vật, bơ, dầu dừa, các loại thịt đỏ, lòng đỏ trứng, các loại dưa muối, cà muối, thức ăn chế biến sẵn...
  2. Giảm cân có thể đem lại hiệu quả hạ áp rõ rệt. Với mỗi 9kg thể trọng giảm được có thể giảm được huyết áp tâm thu từ 5 – 20mmHg.
  3. Ngừng hút thuốc lá: Nicotin trong khói thuốc lá có thể làm kích thích hệ thần kinh giao cảm và làm tăng epinephrin và norepinephrin dẫn tới làm tăng huyết áp. Hút thuốc lá là nguyên nhân làm tăng huyết áp tâm thu khoảng 4mmHg và 3mmHg đối với HA tâm trương. Ngoài ra hút thuốc lá và tăng huyết áp là hai yếu tố cộng hợp làm tăng đáng kể tỷ lệ tử vong do tim mạch và đột quỵ. Cho nên ngừng hút thuốc lá không chỉ giúp kiểm soát huyết áp mà còn giúp giảm tỷ lệ các biến cố tim mạch.
  4. Bổ sung các vi chất: vitamin C, omega – 3, magie, coezym Q10...

Kiểm tra huyết áp tại nhà là biện pháp đơn giản, dễ thực hiện để tránh kẻ giết người thầm lặng – bệnh  tăng huyết áp. Mọi người hoàn toàn có thể tự kiểm tra huyết áp ở nhà bằng các loại máy đo huyết áp điện tử của các nhà sản xuất uy tín. Xem thêm cách đo huyết áp đúng cách tại đây.

Biên tập bởi Bác sĩ tim mạch

Đánh giá bài viết
1 bầu chọn /trung bình: 5
Quảng cáo cuối bài tin