Skip to content

Người bị huyết áp thấp nên ăn gì để tăng huyết áp?

Bác Sĩ Tim Mạch 25.02.20177598 lượt xem
Người bị huyết áp thấp có trị số huyết áp tối đa thấp hơn 100 mmHg và thường là thấp hơn 90/60mmHg.Những người bị huyết áp thấp thường có triệu chứng như mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, đau đầu nhất là khi thay đổi tư thế đột ngột. Vậy, những người bênh huyết áp thấp nên ăn gì để tăng huyết áp?

Huyết áp thấp thường hay gặp ở những trường hợp nào?

Ăn gì để tăng huyết áp

Ăn gì để tăng huyết áp

Huyết áp thấp thường gặp ở những người có chế độ ăn uống bất hợp lý: ăn ít, hay bỏ bữa, khoảng cách giữa các bữa quá xa, dẫn đến giảm hàm lượng đường trong máu. Dưới đây là những người có nguy cơ cao bị huyết áp thấp

Phụ nữ có thai

Phụ nữ có thai vừa đối diện với nguy cơ tăng huyết áp (tăng huyết áp thai kỳ) vừa có nguy cơ bị huyết áp thấp. Trong khoảng 24 tuần đầu của thai kỳ, huyết áp tâm thu thường giảm 5-10 mmHg và huyết áp tâm trương giảm 10 – 15 mmHg. Điều này có thể là bình thường, các trị số huyết áp sẽ trở lại như trước thời kỳ mang thai sau khi người sinh con.

Bệnh lý tim mạch

Một số bệnh nhân tim mạch có thể gặp phải tình trạng huyết áp thấp bao gồm nhịp tim chậm, các vấn đề về van tim, suy tim,... đều có thể gây ra huyết áp thấp. Nhịp tim nhanh cũng sẽ gây ra tình trạng huyết áp thấp do khi tim đập không đều hoặc quá nhanh, các tâm thất của tim do đó cũng sẽ co bóp với một nhịp độ không bình thường. Chính vì điều này, tâm thất không nhận đủ lượng máu tối đa trước khi co bóp, vì vậy lượng máu trong mạch bị giảm, cho dù nhịp tim đập nhanh.

Bệnh lý nội tiết

Một số bệnh lý nội tiết làm ảnh hưởng tới huyết áp, gây ra huyết áp thấp như suy giáp, suy tuyến thượng thận (bệnh Addison),hạ đường huyết...Huyết áp thấp xảy ra với những bệnh nhân mắc vấn đề về nội tiết là do một số biến chứng liên quan đến quá trình sản xuất hormone của tuyến nội tiết.

Mất nước

Mất nước là vấn đề cơ thể chúng ta có thể đối mặt hàng ngày, khi tình trạng mất nước xảy ra người bệnh sẽ có biểu hiện mệt mỏi, chóng mặt, huyết áp thấp. Mất nước thường gặp khi bạn sốt, nôn mửa, tiêu chảy, do dùng thuốc, do luyện tập làm vã quá nhiều mồ hôi hoặc do sốc nhiệt.

Mất máu

Mất máu dù ít hay nhiều đều có ảnh hưởng tới huyết áp của bạn. Các trường hợp bệnh nhân mất máu tụt huyết áp nhanh là do tai nạn, phẫu thuật hoặc một số nguyên nhân khác do làm giảm lưu lượng máu dẫn đến giảm huyết áp.

Nhiễm trùng nặng

Khi cơ thể bị nhiễm trùng từ những tổn thương có thể đi vào máu, từ đó gây ra nhiễm khuẩn huyết, dẫn đến huyết áp hạ.

Sốc phản vệ

Sốc phản vệ là một phản ứng dị ứng nghiêm trọng, và có thể gây khó thở, nổi mề đay, ngứa, sưng cổ họng và hạ huyết áp.

Thiếu chất dinh dưỡng trong chế độ ăn uống

Tình trạng thiếu các vitamin B12 và acid folix có thể gây ra thiếu máu, một tình trạng mà cơ thể không sản xuất đủ các tế bào máu đỏ, gây ra huyết áp thấp.

Sử dụng thuốc điều trị gây huyết áp thấp

Một số loại thuốc có thể gây tác dụng phụ là giảm huyết áp như thuốc lợi tiểu, thuốc làm giảm nhịp tim cũng gây hạ huyết áp, thuốc cho bệnh Parkinson, một số loại thuốc chống trầm cảm (thuốc chống trầm cảm ba vòng),...

Người bị huyết áp thấp nên ăn gì để tăng huyết áp?

Huyết áp thấp

Huyết áp thấp

Ăn mặn hơn

Những bệnh nhân mắc bệnh lý tim mạch, nhất là tăng huyết áp được khuyến cáo là nên ăn nhạt, nhưng trong trường hợp bệnh nhân bị huyết áp thấp lại nên ăn mặn một chút giúp cải thiện tình trạng huyết áp thấp, tuy nhiên không nên lạm dụng vì điều này sẽ gây có thể làm tăng huyết áp khi nằm. Nếu bạn mắc bệnh tim mạch cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi điều chỉnh sang chế độ ăn này.

Uống đủ nước

Việc uống nước là rất quan trọng đối với cơ thể chúng ta, bởi lẽ khi cơ thể bị thiếu nước sẽ dễ xảy ra tình trạng khử nước. Khi bạn đang luyện tập hoặc hoạt động, làm việc dưới điều kiện thời tiết nắng nóng cơ thể sẽ bị mất nước nhiều hơn, vì vậy việc bổ sung nước là vô cùng cất thiết để tránh trường hợp hạ huyết áp gây ngất do mất nước. Ngoài ra, khi bị tiêu chảy hoặc buồn nôn và nôn, bạn cần chắc chắn rằng cơ thể của bạn đã được cung cấp đầy đủ nước. Mỗi ngày người trưởng thành cần 35g nước cho 1kg cân nặng. Nhu cầu nước ở từng lứa tuổi và từng cơ thể là khác nhau. Trung bình một người cần 1,5-2 lít nước mỗi ngày.

Chế độ ăn

Duy trì 3-4 bữa/ngày
Huyết áp thấp thường gặp ở những người ăn ít, hay bỏ bữa, khoảng cách giữa các bữa quá xa. Vậy nên việc duy trì một chế độ ăn hợp lý từ 3-4 bữa/ngày là rất cần thiết. Người bị huyết áp thấp không nên thực hiện chế độ ăn kiêng để giảm cân.

Sử dụng một số thực phẩm có hỗ trợ tăng huyết áp

Một số thức ăn đồ uống có tác dụng làm tăng huyết áp như cà phê, nước chè đặc, ăn thức ăn đậm đà muối, nước sâm, bột tam thất, rau cần tây, nước nho, tỏi. Phụ nữ hay bị huyết áp thấp do thiếu máu, nên ăn các loại thực phẩm chứa nhiều sắt như thịt nạc, gan động vật, mộc nhĩ, nấm hương khô, cần tây, rau đay, rau rền, quả lựu, táo.
Bạn không nên ăn quá nhiều chất bổ dưỡng như trứng, thịt mỡ, sữa béo để tránh béo phì.
Ngoài ra sữa, mật ong, nước chanh pha đường và muối cũng đem lại những tác dụng đáng kể trong việc làm tăng huyết áp.
Cà phê: Trong cà phê có chứa caffeine. Khi vào cơ thể, caffeine khiến các tuyến thượng thận giải phóng cortisol và adrenaline dư thừa – những chất này là tác nhân làm huyết áp tăng.

Cà phê giúp tăng huyết áp

Cà phê giúp tăng huyết áp

Tập luyện thể dục thể thao đều đặn

Tập thể thao đều hàng ngày giúp duy trì lưu thông máu trong cơ thể nên có thể áp dụng trường hợp bệnh nhân huyết áp thấp, cũng như tất cả các bệnh nhân khác để nâng cao sức khỏe. Những người bị huyết áp thấp nên cẩn thận lúc đứng lên đột ngột khi đang ở tư thế nằm hoặc ngồi, nên hít thở sâu vài phút trước khi đứng lên để làm tăng cường lưu thông máu đến các bộ phận của cơ thể, tránh gây chóng mặt, choáng váng.
Một số môn thể thao bạn mà những người huyết áp thấp nên tập là chạy bộ, đi bộ, cầu lông, bơi lội, thể dục nhịp điệu, tập yoga,...

Khám sức khỏe định kì

Một điều rất quan trọng với người bị huyết áp thấp nói riêng và nhiều bệnh nhân nói chung nhưng lại hay bị bỏ qua, đó là việc thăm khám kiểm tra sức khỏe định kỳ. Theo lời khuyên từ các chuyên gia sức khỏe, chúng ta nên khám sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần để phát hiện sớm những trục trặc về sức khỏe và có hướng điều chỉnh ngay từ đầu.

Huyết áp thấp kéo dài sẽ ảnh hưởng tới hầu hết các cơ quan trong cơ thể. Không chỉ gây rối loạn và suy giảm hoạt động chức năng, huyết áp thấp còn dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm khác như nhũn não, đột quỵ, suy tim... Hi vọng, với bài viết “Người bị huyết áp thấp nên ăn gì để tăng huyết áp?” đã mang đến cho bạn đọc những thông tin hữu ích. Xin cảm ơn!

Nguồn: https://bacsitimmach.com.vn.

Đánh giá bài viết
2 bầu chọn /trung bình: 3
Quảng cáo cuối bài tin