Skip to content

Tăng huyết áp ở trẻ em - nỗi lo của các bậc phụ huynh

Bác Sĩ Tim Mạch 16.05.2018742 lượt xem
Tăng huyết áp là bệnh lý tim mạch thường gặp ở người trưởng thành. Tuy nhiên, với sự phát triển của xã hội hiện nay, tăng huyết áp ở trẻ em ngày càng được ghi nhận nhiều hơn.

Nguyên nhân gây tăng huyết áp ở trẻ em

Xã hội ngày càng phát triển, đời sống của chúng ta được cải thiện rất nhiều, đi cùng với đó là sự phát triển của nhiều bệnh lý liên quan, nhất là ở trẻ em, khi tình trạng béo phì và lối sống thụ động đã làm cho tình trạng tăng huyết áp trở nên đáng lo ngại. Lối sống không lành mạnh, tỷ lệ béo phì tăng, thiếu hoạt động thế chất và chế độ ăn kém khoa học ( ăn quá nhiều calo, thức ăn nhanh, đồ uống có gas, nhiều đường,...)  là những nguyên nhân chính gây ra tăng huyết áp ở trẻ em.

Trẻ càng nhỏ tuổi thì càng có khả năng tăng huyết áp là hệ quả của một bệnh khác như bệnh thận, bệnh tim, rối loạn hormon, rối loạn giấc ngủ,...; nhất là trẻ sinh non dễ bị tăng huyết áp do các biến chứng ở thận, phổi, tim hoặc hệ tuần hoàn.

Đối với nhóm trẻ em đang trong độ tuổi đến trường thì nguyên nhân gây tăng huyết áp sẽ khó xác định. Nhiều nghiên cứu hiện chỉ ra rằng trẻ em bị béo phì có nguy cơ bị tăng huyết áp cao hơn.

Xác định tăng huyết áp ở trẻ em

Huyết áp của trẻ được đánh giá dựa trên 3 yếu tố là giới tính, độ tuổi và chiều cao. Do vậy, ở mỗi độ tuổi khác nhau mà trị số huyết áp bình thường của trẻ là khác nhau. Cũng như ở người lớn, tăng huyết áp ở trẻ em thường không có biểu hiện triệu chứng điển hình nhưng lại ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe gồm bệnh tim và đột quỵ,...

Trẻ bị huyết áp cao có thể tiếp tục bị huyết áp cao khi trưởng thành trừ khi chúng bắt đầu được điều trị. Do vậy, trẻ em, nhất là những trẻ thừa cân, béo phì, lười vận động nên được khám kiểm tra huyết áp định kỳ để sớm phát hiện và điều trị kịp thời. Khác với người trưởng thành, trẻ em không có mức huyết áp chuẩn để làm cán cân xác định tình trạng tăng huyết áp, nên nếu con bạn có mức huyết áp cơ trong 3 lần khám liên tiếp thì cần phải tiến hành kiểm tra thêm xem cháu có bị tăng huyết áp không.

Các chuyên gia khuyên rằng tất cả trẻ em từ ba tuổi trở lên nên được kiểm tra huyết áp trong các buổi khám sức khỏe định kì. Hãy đưa trẻ đi khám và đo huyết áp đúng theo lịch hẹn, đặc biệt là trong trường hợp con bạn bị béo phì hoặc trong gia đình có tiền sử bệnh tăng huyết áp.

Giải pháp phòng và điều trị tăng huyết áp ở trẻ em

Đa số tăng huyết áp ở trẻ em là thứ phát, nên việc tiếp cận bệnh tùy thuộc nhiều vào việc chẩn đoán và can thiệp vào nguyên nhân gây bệnh. Có nhiều khuyến cáo về chẩn đoán và điều trị tăng huyết áp ở người lớn nhưng không thể áp dụng máy móc cho trẻ em vì những khác biệt về đặc điểm sinh lý và bệnh lý. Chính sự hỗ trợ từ gia đình và bác sĩ sẽ giúp trẻ dễ dàng kiểm soát mức huyết áp của mình, từ đó ngăn ngừa nguy cơ xảy ra những biến chứng nguy hiểm, bằng cách:

Thay đổi chế độ dinh dưỡng

Ảnh minh họa

Ngày nay, tỉ lệ trẻ béo phì gia tăng nhanh, điều này đồng nghĩa với việc trẻ dễ bị tăng huyết áp.

Chế độ ăn ít chất béo bão hòa, ăn nhiều chất xơ, rau quả sẽ làm giảm hấp thu calo toàn phần từ đó có thể kiểm soát được cân nặng cho trẻ. Hạn chế lượng muối cũng góp phần làm giảm huyết áp, đối với trẻ 4-8 tuổi không nên dùng quá 1200mg/ngày và trẻ hớn tuổi hơn không dùng quá 1500mg/ngày. Bạn cũng cần thận trọng hơn trong việc lựa chọn thực phẩm và chế biến món ăn hằng ngày cho trẻ để đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ hoạt động mà không làm ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch của chúng.

Hoạt động thể lực

Hoạt động thể lực là không thể thiếu trong việc phòng và điều trị tăng huyết áp ở trẻ em. Trẻ cần vận động ít nhất 30-60 phút/ngày, nên tập thể dục hoặc chơi thể thao đều đặn. Bạn có thể giúp con mình bằng cách quản lý thời gian ngồi chơi điện tử, xem ti vi của trẻ và khuyến khích con mình tham gia các hoạt động thể thao vừa rèn luyện sức khỏe, vừa giúp trẻ giao lưu bổ ích.

Việc dùng thuốc

Việc dùng thuốc ở trẻ bị tăng huyết áp thường không được ưu tiên hàng đầu. Nếu việc thay đổi lối sống và tập luyện không mang lại kết quả khả quan, không thấy có sự cải thiện thì mới nghĩ tới việc dùng thuốc hỗ trợ. Liều lượng thuốc và loại thuốc phải được sự kê đơn, theo dõi, hướng dẫn của bác sĩ điều trị, tuyệt đối không được tự ý sử dụng.

Tóm lại, trẻ em hoàn toàn có thể bị tăng huyết áp; béo phì và bệnh thận ở trẻ là hai nguyên nhân chính gây tăng huyết áp ở trẻ em. Việc áp dụng lối sồng lành mạnh, chế độ dinh dưỡng hợp lý, rèn luyện thể lực đều đặn là ưu tiên hàng đầu trong việc điều trị và phòng bệnh. Chính bản thân các bậc phụ huynh cũng có thể giúp con em mình phòng ngừa bệnh tăng huyết áp ở trẻ em. Hãy chung tay bảo vệ sức khỏe của con em chúng ta ngay từ hôm nay!

Biên tập bởi Bác sĩ tim mạch

Đánh giá bài viết
3 bầu chọn /trung bình: 5
Quảng cáo cuối bài tin